Năm Trinh Quan thứ nhất, Ngụy Chinh được thăng làm Thượng thư tả
thừa. Bấy giờ, có người kiện ông đã tự đề bạt họ hàng thân thích mình làm
quan, Đường Thái Tông liền cử Ngự sử đại phu Ôn Ngạn Bác đi điều tra,
kết quả là không có bằng chứng, chỉ là lời bịa đặt mà thôi. Dù vậy, Đường
Thái Tông vẫn cử người đến nói rằng: "Sau này phải xa lánh sự hiềm nghi,
đừng gây nên việc rắc rối như vậy nữa". Ngụy Chinh bèn lập tức vào gặp
vua và nói rằng: "Tôi nghe giữa vua tôi phải phối hợp và nâng đỡ lẫn nhau,
nếu không kể kiệm công làm việc, mà chỉ chú ý về xa lánh điều hiềm nghi,
thì sự hưng vong của nhà nước thật khó mà biết được". Ông đồng thời thỉnh
cầu Đường Thái Tông nên coi mình là lương thần chứ không phải là trung
thần. Đường Thái Tông hỏi lương thần và trung thần có gì khác nhau? thì
Ngụy Chinh đáp rằng: "Bản thân mình được thơm lây, vì đã khiến nhà vua
trở thành một ông vua sáng suốt, con cháu kế thừa nhau, phúc lộc vô
cương, thì đó là lương thần. Còn như khiến bản thân mình bị giết, nhà vua
trở thành một ông vua bạo ngược, nhà và nước đều mất cả, chỉ còn lại hư
danh mà thôi, thì đó là trung thần. Có thể nói là khác nhau một trời một vực
". Đường Thái Tông nghe xong liền gật đầu khen phải.
Do Ngụy Chinh không sợ mang tiếng phạm thượng, dù là trong khi
nhà vua đang nổi nóng, ông vẫn dám tranh cãi lại chứ không chịu nhún
nhường, nên Đường Thái Tông lắm lúc cũng phải kính nể ông.
Đường Thái Tông có một con chim ưng, nhà vua thường để nó đậu
trên vai và tỏ ra rất đắc ý. Khi nhà vua nhìn thấy Ngụy Chinh từ đằng xa đi
tới, bèn nhanh chóng dấu con chim vào trong áo. Ngụy Chinh cố ý nán lại
rất lâu, khiến con chim bị chết ngạt mà nhà vua cũng chẳng dám nói sao.
Năm Trinh Quan thứ 12, Ngụy Chinh thấy Đường Thái Tông dần dần trễ
nải xử lý việc chính sự, lao vào ăn chơi phù phiếm, bèn dâng lên bản tấu
chương nổi tiếng "Thập tiệm bất khắc chung sơ", trong nói rõ về mười điều
thay đổi và mười điều phải suy nghĩ lại.