Thằng nhỏ vào buồng, nửa như đặt, nửa như vứt bao thuốc lá trên nắp
cái ấm giỏ, rồi bước vội ra ngay. Khương không nhận thấy cử chỉ khinh thị
ấy của đầy tớ, chàng chỉ khó chịu về nỗi phải lê mãi mới tới cái giỏ để lấy
bao thuốc. Chàng trân trọng mở bao ra, quấn một điếu thật to, rồi nằm ngửa
hút luôn mấy hơi dài.
Khói thuốc khi bay ngang qua những tia nắng xiên chếch từ khe cửa
sổ xuống đất hiện rõ ra những đám mây, rồi một lúc sau lại biến mất vào
trong bóng tối gian phòng. Khương đau đớn nghĩ đến cái thời kỳ cường
tráng từ năm hai mươi nhăm đến năm ba mươi tuổi, cái thời kỳ còn chứa
chan hy vọng về cuộc đời lúc nào cũng hoài bão những công cuộc to lớn,
bồng bột chí khí hùng dũng. Học trường luật được hai năm, Khương bị
đuổi, rồi từ đấy, chàng bắt đầu hành động. Vợ chàng người đàn bà cằn cỗi,
chua ngoa, ngồi bán gạo ở cửa hàng hồi đó, còn là cô Liên, một thiếu nữ
mảnh dẻ dịu dàng, hai con mắt đẹp lúc nào cũng như đương mơ một giấc
mơ xuân. Liên lấy chàng chỉ vì phục chàng là người có chí rộng. Nhưng
nay cái chí khí của chàng, cũng như cái sắc đẹp của Liên không khác gì làn
khói thuốc lá đã bay qua tia nắng biến vào bóng tối đen.
Từ khi bị chân tê liệt, tuy vẫn nghĩ đến những việc hoài bão cũ nhưng
Khương dần dần thấy không tha thiết nữa, cho những việc ấy là không cần.
Chàng thờ ơ với mọi việc, thờ ơ với cả vợ chàng là người chàng tưởng yêu
đến khi nhắm mắt. Vợ chàng cũng không yêu chàng nữa, và sau bảy năm
vất vả, khổ sở, nàng chỉ coi chồng như một cái bao nặng trên vai, muốn vứt
đi nhưng không nỡ.
Khương chỉ mong vợ bỏ hẳn mình, vì có thế, chàng mới có can đảm
định liệu lại đời chàng. Còn có người nuôi cơm ăn, thì chàng còn như thế
này mãi, vì chàng đã hết cả nghị lực, không thể tự mình vùng dậy được.
Khương quấn luôn điếu thuốc lá thứ hai hút tiếp; trong phòng khói um
như có sương mờ. Chàng thấy rức đầu và rạo rực trong người. Tiếng vợ