Một hôm, đức Phật trở lại thành Vương-xá . Có một ông điền chủ bà-la-môn tên
Bà-ra-hoa-sa , [137] nhà ở xa kinh thành, thuộc về vùng đồng ruộng. Khi ấy vừa
xong mùa gặt, người bà-la-môn cùng những người giúp việc tổ chức ăn mừng
năm ấy được mùa. Họ cười đùa ầm ỉ và ca hát, nhảy múa.
Vừa lúc ấy đức Phật mang bình bát đi ngang qua. Những người hiểu biết liền cúi
chào ngài và cúng dường rất niềm nở. Nhưng ông Bà-ra-hoa-sa vốn chưa hiểu gì
về Phật, lấy làm bất bình và nói lên những lời nặng nề:
“Ông thầy tu kia, ông không được đến xin vật thực nơi đây. Cuộc sống của ông
không phải là một gương tốt cho chúng tôi noi theo. Tất cả chúng tôi đều phải
làm việc khó nhọc, trông đợi từng mùa thu hoạch. Nào chủ, nào tớ đều phải lo
cày, lo gieo, lại lo gặt hái rất nhọc nhằn. Chúng tôi nhờ vậy mới có thức ăn, mới
có tích lũy trong kho, rồi mới dám ăn uống, nghĩ ngơi, vui cười. Còn ông, ông
chỉ biết lang thang theo đường này ngõ nọ. Sự cực nhọc của ông chỉ là đưa bình
bát ra xin mà thôi. Tốt hơn ông nên biết tự làm lấy, tự cày cấy và gieo giống để
có mà ăn đi vậy.”
Đức Phật không chút giận dỗi, ngài mỉm cười đáp rằng:
“Này ông bạn! Ta cũng cày, cũng gieo giống. Công việc xong, ta cũng vui chơi.”
Ông Bà-ra-hoa-sa lấy làm ngạc nhiên, liền hỏi:
“Ông có cày ư? Ông có gieo giống ư? Vậy ông thử chỉ cho chúng tôi xem đi
nào?”
Đức Phật nói:
“Hạt giống mà ta gieo trồng là sự thấy biết chân chánh, trong sạch. Hạt giống
gieo rồi, gặp mưa sẽ nảy mầm. Mưa, đó là những điều lành. Ta dùng một cái cày
to: mũi cày là trí tuệ, cán cày là đạo hạnh. Ta có con bò mạnh mẽ kéo cày, ấy là
lòng thành tín. Khi ta cày ở đâu, cỏ ái dục ở đó đều chết hết. Đúng thời vụ, ta gặt
quả là Niết-bàn.”
Khi ấy, những người chung quanh đều lắng nghe cuộc đối đáp. Một người nói
với ông Bà-ra-hoa-sa rằng: