Khi thái tử lớn lên , vua cho ngài học chung các vị công tử trong giòng họ
Thích-ca , do thầy bà-la-môn thông thái nhất lúc bấy giờ là Tỳ-xa-bà-mật-đa-la
[11] chủ trì việc dạy dỗ, cùng với nhiều vị bà-la-môn thông thái khác nữa để dạy
cho ngài đủ các môn học.
Thái tử cực kỳ thông minh. Ngài học ít hiểu nhiều, tiếp thu nhanh chóng những
kiến thức từ các vị thầy dạy mà không cần họ phải nhọc công giảng giải nhiều.
Ngài lại còn thường xuyên đặt ra rất nhiều câu hỏi sâu sắc bất ngờ, khiến cho các
vị giáo sư đều phải lúng túng.
Thái tử tinh thông toàn diện các môn học. Ngài được học cả những môn như âm
nhạc, hội họa, văn học, triết học..., là những môn giúp phát triển tâm hồn thanh
cao. Đồng thời, ngài cũng học hết thảy các môn võ nghệ, binh pháp như cưỡi
ngựa, bắn cung, múa kiếm... Với các môn này, ngài cũng luôn luôn tỏ ra xuất sắc
nhất trong những người cùng học.
Vào thời bấy giờ thì thánh kinh Vệ-đà[12] của đạo Bà-la-môn, với bộ sách triết
học Áo nghĩa thư[13] được xem là những tinh hoa triết lý cao tột nhất. Kinh Vệ-
đà có cả thảy 4 bộ, mà Áo nghĩa thư là bộ cao trổi hơn hết. Thái tử nhanh chóng
tiếp thu trọn vẹn hết thảy những điều thâm áo nhất trong những bộ sách này, nhờ
các vị danh sư hết lòng chỉ dạy. Cho đến khi các vị không còn gì để giảng giải,
thái tử bắt đầu chất vấn các vị hàng loạt vấn đề về cuộc sống, về nhân sinh cũng
như nhiều vấn đề triết học siêu hình khác. Không ai trong các vị bà-la-môn
thông thái có thể đưa ra những lời giải đáp làm ngài thỏa mãn. Học vấn của ngài
như vượt lên trên tất cả những vị thông thái nhất của thời bấy giờ.