Ngày hôm sau, cung từ đem sự việc được mất của hoàng hậu từ nhỏ, làm
thành sách "Nữ tắc" gồm ba mươi quyển đưa trình lên. Thái Tôn xem rất
xúc động, liền giảng giải cho bọn cận thần:
- Sách này của hoàng hậu cũng làm gương cho trăm đời sau noi theo. Trẫm
không phải là không biết thiên mệnh, mà làm chuyện thương xót vô ích,
nhưng vào cung mà không được nghe những lời can gián, trung thực, mất
đi một người bạn hiền, thì thật lòng không thể nào khuây được.
Liền sai Hoàng môn quan triệu Phong Huyền Linh về nhận chức cũ, tháng
mười năm ấy thì táng Văn Đức Hoàng hậu ở Chiêu Lăng, cách Hiến Lăng
của Đậu Thái hậu khoảng hơn một dặm. Thái Tôn thương nhớ không
nguôi, bèn làm ở trong ngự uyển một Tăng Lâu quán để nhìn về Chiêu
Lăng, thường cùng Ngụy Trưng lên lầu, chỉ cho Ngụy Trưng thấy. Ngụy
Trưng nhìn thật kỹ, thưa:
- Mắt thần kém, chẳng thấy gì cả.
Thái Tôn lại cố chỉ rõ, Ngụy Trưng thưa:
- Thần lại cứ nghĩ bệ hạ nhìn về Hiến Lăng, còn nếu là Chiêu Lăng thì thần
cũng thấy rõ rồi!
Thái Tôn khóc mà hủy Tăng Lâu quán, nhưng trong lòng thì vẫn thương
tiếc.
Một hôm, Thái Tôn bỗng bị bệnh, trăm quan sớm tối vấn an, thái y ân cần
chăm sóc, bốn năm ngày rồi mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm, thỉnh
thoảng lại giật mình như bị ma trêu quỉ ám. Chỉ khi nào có Tần Thúc Bảo,
Uất Trì Cung vào vấn an, thì thấy tinh thần sảng khoái khác thường. Vì vậy
sai vẽ tượng Thúc Bảo, Uất Trì Cung, treo ở cửa sổ để trấn quỷ ma. Đến lúc
bệnh trầm trọng liền gọi bọn Mậu Công, Ngụy Trưng vào cung để nhận số
mệnh. Mậu Công thưa:
- Bệ hạ xuân thu chính lúc khỏe mạnh, sao lại nói ra những điều không
lành.
Ngụy Trưng tiếp:
- Xin bệ hạ đừng lo, thần có thể giữ gìn mình rồng, chuyển nguy thành an
được.
Thái Tôn hỏi: