Sự dư thừa độ ẩm nhờ mưa xuống thường xuyên và số ngày nắng nóng
không đáng kể giúp người ta thu được từ thông liễu thứ vật liệu xây dựng
rất đặc biệt.
Những rặng núi cao chính là vật cản gió tự nhiên. Mà những cơn gió
mạnh thì rất nguy hại cho thông liễu. Chúng làm gỗ mềm ra, tước mất chất
dẻo dai, thế là thân cây cong vẹo, mất đi vẻ cân đối. Các ngôi nhà trong
làng nằm dưới chân núi, rải thành một dãy dọc bờ sông.
Chieko và Masako đi tới cuối làng rồi quay trở lại.
Cạnh mấy ngôi nhà, những người phụ nữ đang đánh bóng các súc gỗ.
Thân cây tẩm nước được gia công rất cẩn thận bằng cát sông. Cát mịn,
giống như đất sét màu hạt dẻ nhạt, lấy từ đáy sông chỗ thác Bodai đổ
xuống.
- Nếu hết cát thì các bác làm thế nào? - Masako hỏi.
- Không hết được đâu. Mưa cuốn cát ra thác, nó chảy xuống cùng với
nước rồi lắng ở đáy. - Một phụ nữ đã có tuổi đáp.
- Họ vô lo đến thế là cùng, Masako nghĩ.
Trông đám phụ nữ làm đâu được đấy, Masako mới thấy Chieko đúng.
Các súc gỗ bề dày độ năm, sáu xun, và có lẽ được dự tính làm cột chống.
Người ta dùng nước rửa sạch gỗ súc đã đánh bóng, phơi khô, rồi lấy giấy
hoặc rơm bọc lại và chuyển cho người đặt hàng.
Đôi chỗ, thông liễu mọc ngay sát lòng sông Kiyotaki đầy đá.
Loài thông liễu trên núi và những súc gỗ xếp thành hàng dọc các nhà cửa
trong làng làm Masako nhớ đến những rào gỗ phủ son Ấn Độ được chăm
sóc cẩn thận nơi các ngôi nhà cổ Kyoto.
Hai cô gái lên xe buýt ở bến đỗ đầu làng, nơi có thể trông thấy cảnh thác
Bodai. Họ ngồi trên xe im lặng một lúc.