cầu là: Hãy giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ "Giặc đến nhà đàn bà cũng
đánh". Nó đọc đề xong thì rất nhiệt tình giảng giải: "Câu tục ngữ này muốn
nói lên sự độc ác, tàn bạo của bọn giặc. Chúng đến nhà thì chúng đánh đàn
ông là được rồi, chứ đàn bà chân yếu tay mềm mà chúng cũng đánh thì rõ
là bọn giặc này quá man rợ và không hề ga-lăng".
Ờ thì thôi, hình thức không được, nghề nghiệp không được thì cũng
phải được cái nết na, chăm chỉ bù lại, đằng này, lúc mẹ nhờ nó giã cua giúp
thì nó bảo là nó đau mồm lắm, không giã được. Mẹ hỏi: Sao mà đau mồm?
Nó bảo: Hôm qua nó ăn cháo lưỡi. Bà bán cháo không thái nhỏ mà cứ để
nguyên cả cái lưỡi lợn vào trong bát cháo. Lúc nó cho lưỡi lợn vào mồm để
ăn, vì hai cái lưỡi giống nhau quá, nên nó bị nhầm, thay vì cắn vào lưỡi lợn
thì nó lại cắn vào lưỡi nó.
Rồi đến lúc ngồi ăn cơm cũng thế! Con đừng tưởng là việc ăn mà đơn
giản nhé! Hành vi của người con gái trong bữa ăn sẽ phản ánh chính xác cô
ấy là người thế nào. Trong bữa cơm có mặt cả người yêu và bố mẹ của
người yêu, một cô gái biết lễ nghĩa sẽ phải gắp thức ăn cho bố mẹ người
yêu trước, sau đó mới được gắp cho người yêu, chứ nếu gắp cho người yêu
trước rồi mới gắp cho bố mẹ thì đó là một hành động vô lễ, khó mà chấp
nhận được. Thế nhưng con bé này thì khác, nó không gắp cho bố mẹ, cũng
chẳng gắp cho con, nó toàn gắp bỏ vào bát nó. À, có duy nhất một lần nó
gắp thịt gà bỏ vào bát cho bố con, rồi nó bảo: "Bác ăn giúp con phát! Miếng
này to, nhìn tưởng ngon, ai ngờ toàn xương, con đang đau mồm, không
nhai được".
Rồi cả bữa nó gần như không nói câu gì nữa, chỉ cắm đầu ăn hùng
hục. À, hình như nó có khen bà nội một câu thì phải. Nó khen rằng: "Tưởng
là bà mắt kém, nhưng con thấy mắt bà vẫn còn tinh lắm! Bà gắp miếng nào
trúng miếng ấy, lại toàn miếng ngon, con cứ ngắm được miếng nào, định
gắp thì ngẩng lên đã thấy bà gắp rồi".