của đối phương thâm sâu đến mức nào.” Mọi người đều cảm thấy ông ta cứ
quanh co nhưng cũng không dám hỏi nhiều.
Đường Kinh Thiên quen thân với Đại Bi thiền sư trong Thập bát La Hán,
sau khi thủ lĩnh của các phái nói chuyện với nhau, chàng liền tìm Đại Bi
thiền sư thì mới biết nguồn cơn, quả nhiên Thống Thiền thượng nhân đã
ngầm tỉ thí với Mạnh Thần Thông, nhưng hai bên thực sự là chưa gặp mặt.
Số là khi các nhà sư Thiếu Lâm lên núi, Mạnh Thần Thông sai Cơ Hiểu
Phong ra nghênh tiếp, theo lễ tiết trong võ lâm, y phải đưa bái thiếp, Mạnh
Thần Thông tự đặt mình lên cao, chỉ có ba người nhận được bái thiếp của y,
một người là Kim Quang đại sư của phái Nga Mi, một người là Thống
Thiền thượng nhân, còn người kia là Đường Kinh Thiên. Đó là bởi vì
Đường Kinh Thiên đại diện cho phái Thiên Sơn, Mạnh Thần Thông không
dám sai người đến Thiên Sơn tuyệt đỉnh gây rối cho nên mới gởi thiệp đến
Băng cung đồng thời đánh cắp bảo kiếm, chuyện này phía trước đã kể,
không cần phải nhắc lại. Nói tóm lại, y gởi thiệp cho Đường Kinh Thiên
bởi chàng là con của Đường Hiểu Lan chứ không phải coi trọng võ công
của chàng. Ngoại trừ ba người này, cả bọn Phùng Lâm, Ô Thiên Lang, Lôi
Chấn Tử đều không nhận được bái thiếp của y.
Thống Thiền thượng nhân là bậc cao tăng, đối phương lấy lễ đối đãi thì ông
ta cũng lấy lễ nghênh tiếp, nào ngờ Cơ Hiểu Phong không biết có phải được
Mạnh Thần Thông sai khiến trước hay là lúc đó mới ngứa nghề cho nên khi
Thống Thiền thượng nhân hành lễ đột nhiên thi triển tuyệt kỹ Diệu thủ
không không đánh cắp ba viên niệm châu của Thống Thiền thượng nhân,
xâu niệm châu này vốn nằm trên cổ Thống Thiền thượng nhân, nhân lúc
đưa bái thiếp y không những cắt đứt tràng niệm châu mà còn lấy ba viên
trong đó, khi ra tay thì nhanh như điện chớp, quả là tuyệt kỹ thần thâu từ
xưa đến nay hiếm có.
Lúc đó Thập bát La Hán chẳng thể nào phát giác nổi, nhưng Thống Thiền
thượng nhân chẳng phải kẻ tầm thường, Cơ Hiểu Phong chưa chạm tay tới