Ông nội mở thêm một cánh cửa sổ nữa, cởi áo và quần dài. Ông quét nhà,
lau nhà, lau bàn ghế, chùi cầu tiêu, xếp quần áo, rửa chén bát…
Ông nội không muốn rời em. Nhưng ông cũng không thể ở lại đấy mãi
được. Đến tối, ông ru em ngủ rồi lén về. Cuộc đàm phán chưa mang lại kết
quả nào.
Từ đó mỗi ngày ông nội từ Sài Gòn lên Chợ Lớn ba lần: sáng, trưa, tối.
Ông đi như đi thăm nuôi ở trại cải tạo. Sáng dậy sớm, xách giỏ đồ lên thăm
cháu một lúc rồi vội vàng đến sở làm. Trưa mua cái bánh mì, vừa chạy xe
vừa ăn. Vượt mười cây số đường phố kẹt xe, toát mồ hôi. Lại quay về sở
làm lúc hai giờ. Chiều tan sở, thong thả hơn, ở chơi với cháu nội lâu hơn.
Ông nội kể rằng lúc đó em được tám tháng tuổi và không có nụ cười. Từ
một thế giới đẹp đẽ, sáng sủa, nhiều đồ chơi, bỗng rớt vào cái xó tối mù
mịt. Sống chung với một lão già và một con chó.
Ông nội tự nhiên biến mất. Mẹ cũng biến mất. Ba cũng biến mất. Lạy
Chúa! Một đứa hài nhi mong manh làm sao có thể chịu đựng nổi sự thay
đổi đột ngột và tàn nhẫn như vậy?
Một tuần sau Mẹ em gọi ông nội và nói rằng bà ngoại muốn mượn ông nội
một ngàn đô la để trang trải nợ nần. Ông nội đồng ý ngay lập tức và hẹn
ngày chồng tiền. Ba em phản đối. Ba giựt cái điện thoại và hét lên:
“Cô muốn tống tiền hả? Giữ lấy mà nuôi đi! Dám không?”
Tiếng Mẹ em ở bên kia đầu dây:
“Dại gì nuôi. Ngay ngày mai tui đem thảy vô viện mồ côi.”
Ông nội hốt hoảng. giằng lấy cái điện thoại:
“Bác lạy con! Bác sẽ đem tiền đến trong vòng ba mươi phút.”
Chưa tới ba mươi phút ông nội đã đứng ngay đầu cầu thang rồi. Nhưng căn
phòng trống trơn. Chỉ có con chó nhỏ ra đón ông. Nó cũng chẳng thèm sủa.
Chỉ ngửi ngửi cái chân ông rồi bỏ đi, lẩn mất trong xó tối.
&
Sáng hôm sau ông nội nhận được một cú điện thoại, không phải của Mẹ em
mà là của bà ngoại.