36
Tủ sách Nuôi con – http://sachx.com
Chương 6. Nhìn bé lớn lên
K
hông một phần thưởng xứng đáng nào bù đắp cho nỗi cực khổ vô tận của
người mẹ bằng sự quan sát, nhìn ngắm bé lớn lên. Thực là kỳ diệu, thực là tuyệt
vời! Mới ngày nào bé đỏ hỏn, khóc oe oe chào đời, mặt mũi nhăn nheo xấu xí, mình
trơn tuột như con cá vừa vớt ở ao lên, chỉ vài ba tháng đã da dẻ hồng hào, mắt môi
rực rỡ, tay chân ngo ngoe hóng chuyện. Rồi bé mỉm cười, rồi bé cười ra tiếng. Nụ
cười đó đã xóa tan đi bao nỗi bực dọc, âu lo của ta. Tiếng khóc và nụ cười bé đã
làm ngôi nhà sáng bừng lên, đầy sinh khí, tràn tương lai... Rồi bé ngửng cao đầu, rồi
bé biết lật, bé biết bò, bé biết đứng chựng, bé chập chững đi, hai tay giơ cao để giữ
thăng bằng như người hát xiếc đi trên sợi dây thép. Mỗi một tiến bộ nhỏ của bé là
một niềm vui lớn của ta. Khi bé nhú lên hai chiếc răng cửa, ta thấy có ánh sáng ngà
ngọc đâu đó dưới mái nhà êm ấm. Khi bé bập bẹ vài tiếng nói đầu tiên, ta thấy lòng
trần ngập hân hoan. Tôi vẫn nghĩ rằng bé, ngay trong tuổi ấu thơ này, đã trả ơn trọn
vẹn cho cha mẹ rồi đó! Theo dõi bé, nhìn ngắm bé, quan sát bé lớn lên, ta bỗng tìm
thấy ta – chính hình ảnh ta ngày xưa! Ta thấy cái dòng sống trôi miên man và ta
bỗng cảm ơn bé, cảm ơn ta. Cũng nhờ bé ta biết thế nào là công ơn cha mẹ sinh
thành dưỡng dục và các bà mẹ gặp nhau dành một phần lớn thì giờ để nói về đứa
con họ. Bà thì hãnh diện con mới 4 tháng đã mọc răng, mười tháng đã chập chững
biết đi. Bà thì khoe con mới mưới sáu tháng đã thuộc ca dao, bà khác lo âu: “Sao
cháu đã thôi nôi rồi mà chưa đứng một mình được”, “Sao đã tám tháng rồi mà chưa
mọc răng”?
* Sự phát triển của bé thực ra không bé nào giống như in một bé nào. Mỗi bé
phát triển theo một tiết điệu riêng, nhưng nhịp nhàng và hoàn hảo – nếu không vì
một lý do nào ảnh hưởng nặng nề trên đó – đều đưa đến cứu cánh là làm cho đứa
trẻ thành người, theo cái “khuôn mẫu” có sẵn của bé, không giống với một người
nào khác. Có thể nói tất cả tiến trình phát triển đó đã được đánh dấu từ trên những
di thể (gènes) trong khi bé được tạo hình.
Rồi các yếu tố khác – yếu tố nội tiết, thần kinh, môi trường (kinh tế, khí hậu...)
cũng ảnh hưởng một phần, nhỏ thôi. Có bé sinh ra bụ bẫm, lớn lên nở nang hơn
người nhưng chậm nói, chậm mọc răng, sau này có thể là một lực sĩ vai u thịt bắp.
Có bé ốm o không có cách nào làm mập được, nhưng biết nói sớm. Có bé cha mẹ
tưởng là câm vì nói chậm mà lúc đi học lại thông minh xuất chúng... Biết như thế rồi
ta sẽ không hãnh diện hay lo sợ một cách vô ích về sự phát triển mau hay chậm của
bé. Miễn là ta săn sóc bé đúng cách, đúng mức. Dĩ nhiên, những bé khác thường
cũng phải đưa đến khám ở bác sĩ chuyên môn. Bác sĩ sẽ giúp ta chữa cho bé nếu
bé có bệnh. Nếu không bệnh thì bé thế nào ta sẽ yêu bé thế đó, bé ra sao ta sẽ yêu
bé như vậy. Tình yêu của ta đủ sức thay đổi tất cả những xấu xí, thua thiệt của bé về
thể chất hay tinh thần mà còn giúp bé tự tin, sống hạnh phúc, thành công sau này
nữa. Trái lại, sự thất vọng của ta, thái độ bất mãn của ta đối với một vài khuyết tật
của bé sẽ làm cho bé mặc cảm, khốn khổ suốt một đời. Tôi đã thấy có những người
rất yêu một đứa con tàn tật, sẵn sàng chịu khổ vì nó, dù biết nó khó nuôi, khù khờ
cũng mặc, chỉ mong nó được sống. Trái lại, có người tạo ảo tưởng về đứa con của
mình quá nhiều, đã thất vọng khi thấy nó không giống tài tử này hay minh tinh nọ.
Có người còn ghét con vì nó không hạp tuổi mình, không phải là nam nhâm nữ
quý... Những người đó không đáng làm cha mẹ!