VIẾT CHO CÁC BÀ MẸ SINH CON ĐẦU LÒNG - Trang 93

92

Tủ sách Nuôi con – http://sachx.com

mới bỏ dần được. Ai cũng biết bé sơ sinh thường ngủ ngày rồi đêm lại thức bú.
Khoảng từ 6 đến 12 tháng bé biếng ăn là vì cách bỏ bú (dứt sữa) của ta không khéo,
thay đổi thức ăn quá đột ngột làm bé mất sự thèm ăn. Từ một tuổi trở đi, có những
“xung khắc” mới. Lúc đó bé phát triển cá tính mạnh, thích độc lập, thích làm trái ý
mẹ, người mẹ không hiểu vẫn tiếp tục chăm sóc quá đáng, kiểm soát từng ly từng tí,
ép bé ăn thứ này thứ khác theo ý mình. Bé càng ít ăn, mẹ càng lo lắng, có khi giận
dữ nữa và bé càng phản ứng mạnh, bỏ ăn luôn. Từ 15 đến 18 tháng bé thích ăn bốc
hay phá phách thức ăn, vung vãi, đổ bừa bãi khiến bà mẹ bực mình cho là mất vệ
sinh và tìm mọi cách để “đưa bé vào vòng kỷ luật” một cách tuyệt vọng. Bà bắt bé
tập cầm muỗng, cầm đũa, hay đút lấy chứ không cho bé ăn một mình nữa, và dĩ
nhiên bé lại ăn mất ngon. Cũng trong khoảng tuổi này, nhiều bé đã có thêm một đứa
em, một “địch thủ đáng gờm” của bé. Bé ganh tị, khổ sở, cảm thấy mình bị bỏ rơi, tủi
thân và như thế làm sao bé có thể ăn ngon ngủ yên nữa! Từ hai tuổi trở đi, bé đã
được xem như một người lớn trong nhà. Mẹ bắt bé ngồi vào bàn ăn ngay ngắn,
nghiêm chỉnh, quấn khăn ăn chung quanh cổ, ép bé ăn các món ngon, bổ, theo ý
mẹ, và bé ì ra hay chỉ ăn chút đỉnh như mèo ngửi. Không có gì bực mình bằng bị ép
ăn, nhất là bị quan sát từng ly từng tí trong lúc ăn! Chúng ta cũng vậy, bao giờ “ăn
vụng” cũng ngon hơn.

Nguyên tắc chữa trị:

Biết những nguyên nhân tâm lý bệnh lý như vậy rồi, cách chữa trị chứng biếng

ăn của bé không khó. Trước hết, đừng quên là có nhiều hạng trẻ. Có hạng “thực
như hổ” cũng có hạng “thực như miêu”. Cũng đừng quên có những giai đoạn phát
triển bình thường mà bé ăn uống ít đi, không thèm ăn. Mập bự không phải là dấu
hiệu của sự khỏe mạnh. Nếu bé ít ăn mà vẫn khỏe vẫn chơi thì cứ mặc kệ. Nhờ bản
năng, bé sẽ tự kiếm lấy thức ăn thích hợp. Nhờ bản năng bé biết phải ăn thức gì, ăn
bao nhiêu và ăn ra sao. Ta đừng quan trọng hóa vấn đề. Nếu ta không cữ kiêng quá
đáng, để bé tự ăn thứ gì bé thích thì không bao giờ bé chết đói đâu. (Bé bị thiếu ăn,
bị ốm đói phần nhiều là do ta không cho bé ăn: Sau cơn bệnh ta bắt bé cữ kiêng quá
đáng. Lúc bé thèm ăn lại, ta không dám cho ăn). Nếu bé vì lý do gì đó chê bữa thì
cũng mặc kệ “Đói đầu gối phải bò” đừng lo.

Phải kiên nhẫn. Đừng nài ép, đừng rầy rà, hăm dọa hay dụ dỗ gì cả. Đừng quan

tâm quá đáng làm bé khó chịu thêm. Không cổ vũ, không hài lòng, khen ngợi. Cũng
không so sánh bé với bé này bé khác. Không để ý đến bé, bé sẽ ăn lại được lúc nào
không hay!

Dĩ nhiên, một cách kín đáo ta sẽ theo dõi bé xem bé thích món gì, ta cung cấp

kha khá món đó cho bé. Ít thôi, để cho bé còn thèm ăn. Ê hề quá cũng dễ ngán
ngược.

Nếu bé thích ăn một món hoài rồi đổi sang món khác cũng được! Đừng lo thiếu

chất này chất kia. Khi cơ thể thiếu gì nó sẽ đòi ngay.

Từ 12 đến 18 tháng bé thích vọc phá, thích tự ăn một mình, không chịu người

lớn đút cho, ta cứ để yên cho bé. Nếu bé không ăn đúng bữa, đúng lượng cũng
không sao. Nếu trước bữa mà bé đã ăn bánh ngọt, uống sữa, ăn kẹo thì dĩ nhiên
không ăn đúng bữa chẳng có gì là lạ. Có bé thích ăn trong khung cảnh ganh đua với
anh chị, bạn bè. Ta khéo léo tạo khung cảnh đó cho bé. Có khi cũng cần cứng rắn
một chút. Không phải là nạt nộ đâu, nhưng nhờ một người khác – không phải là mẹ
bé – cho ăn thì bé sẽ ăn nhiều hơn. Có khi xa nhà một thời gian bé cũng ăn nhiều có
lẽ là nhờ không khí vui, lạ.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.