Sáng ngày lo dọn dẹp, khăn áo đến chực sẵn, đợi đến ngày gần tối không
thấy gì, ai nấy đều mệt mỏi muốn ra về. Hốt nhiên có một nhà sư bận bát y
dài chấm đất, theo sau một chú tiểu, qua cầu đứng trước đền rồi đi thẳng
vào trong. Các bậc phụ lão đốt trầm sụp xuống lạy. Nhà sư lấy làm lạ mới
hỏi. Người trong ấp tâu như thế. Thời ấy vua Nhân Tông truyền ngôi cho
con, xưng là Điều Ngự Đại Vương, xuất gia ở núi, thường ngày một bình
một bát qua lại hương thôn, ít ai biết đến, nhân ngày ấy đi đến làng An
Nhân thì gặp chuyện như vậy.
Vua khen, ở lại đền một đêm, đem sự Nhân Quả thuyết pháp cho thần và
mọi người nghe, và khuyên thần nên thể đức hiếu sinh, sáng sớm vua trở về
Kinh Sư.
Ngày mai sấm mưa cả dậy, thần tọa xây về hướng đông, những người qua
lại trên đường từ đấy được an toàn vô sự. Có sắc chỉ phong thượng đẳng
thần, luỹ Trường Tân cũ đến nay vẫn còn.
Tiếm bình
Tướng quân là kẻ thân của nước cũ, phục nhà Lý mà thù nhà Trần, có lẽ
không đội chung trời đất, ở nhà Chu làm ngoan dân, ở nhà Thương làm
trung thần. Cái chết nghĩa khí tuy chết cũng như còn, coi việc cởi đai buộc
đầu thì biết. Ông già chỉ chỗ, khiến mối đắp mồ, ý giả người trong ấp có
thần chỉ bảo chăng? Tượng thấy ở An Nhân, nhập mộng cho kỳ lão, biết
Điều Ngự sắp đến chơi, xây thần tọa qua hướng đông, từ đó trăm năm
hương lửa, hảo kết nhân duyên, Đông Bắc Mã Đầu, miếu đền lộng lẫy,
khách qua đường phải xuống ngựa, con hát phải kiêng tên, trời đãi người
trung nghĩa, hậu đến đường nào vậy!