Nguyễn Hiến Lê, Văn Nghệ, Hoa Kỳ, tr. 201-203).
Việc Ông Diệm thiếu thành tín vừa kể trên, đối với những người hiểu rõ anh
em ông thì không ai lấy làm ngạc nhiên, vì trong quá khứ ông đã nhiều lần
có hành động phản bội mà trường hợp đối với cụ Nguyễn Xuân Tiếu sau
đây càng nổi bật thêm cái bản chất bội bạc của ông Diệm.
Nguyên cụ Nguyễn Xuân Tiếu là lãnh tụ đảng Đại Việt Quốc Xã với nhiều
thành tích chiến đấu chống cả Thực dân lẫn Cộng sản. Vì quen thân ông
Diệm nên năm 1945, khi ông Diệm còn bị Việt Minh cầm tù tại Thái
Nguyên, cụ Tiếu đã không ngại nguy hiểm tìm cách giúp đỡ thuốc men tiền
bạc và hàng ngày còn tiếp tế đồ ăn thuốc lá cho ông Diệm trong lao tù. Khi
ông Diệm được Việt Minh trả tự do về sống tại Hà Nội, cụ Tiếu vẫn tiếp tục
thăm viếng, giúp đỡ tài chính và lo luôn chi phí cho ông Diệm vào Nam.
Liên hệ tình cảm giữa cụ Tiếu và ông Diệm lúc bấy giờ trong giới đảng phái
chính trị ở ngoài Bắc không ai không biết, và cũng không ai không cảm
phục tâm chất của cụ Tiếu. Thế mà từ khi ông Diệm xa cụ Tiếu, ông không
còn nhớ đến người ân nhân cũ. Mãi cho đến khi ông ngồi trên ngôi cao tuyệt
đỉnh của cái chức Tổng thống còn cụ Tiếu thì bị Công an nghi ngờ tham gia
cuộc đảo chánh của Nhảy dù ngày 11-11-1960 nên bị bắt giam và bác sĩ
Trần Kim Tuyến nhắc đến tên cụ; chỉ lúc bấy giờ ông Diệm mới nhớ đến và
bảo rằng: “Khi nào gặp hắn bảo hắn lúc nào rảnh rỗi vào đây chơi” (xem
Làm thế nào để giết một Tổng thống của Cao Thế Dung).
Cử chỉ hào hiệp vị tha của cụ Tiếu đối với ông Diệm trong lúc sa cơ thất thế
nói lên cái tình nghĩa sâu đậm của tình bằng hữu thắm thiết, nhất là khi cụ
Tiếu đang bị Việt Minh nghi ngờ vì cái quá trình chống Cộng của Cụ, thế
mà ông Diệm không những đã bội nghĩa vong ân mà còn hỗn xược gọi cụ là
“hắn”. Cung cách cư xử của ông Diệm đối với ân nhân mà cũng là một nhà
cách mạng lão thành như thế mà ông Cao Thế Dung, trong cuốn sách kể lại
lời nói hỗn xược bất nghĩa ở trên, lại hết lòng ca ngợi ông Diệm là thủy
chung, nho phong và lễ nghĩa.
Chẳng trách ông Cao Thế Dung giữ chức Ủy viên Trung ương trong cái gọi
là “Phong trào Phục hồi Tinh thần Ngô Đình Diệm” của Cần Lao Công giáo
tại hải ngoại!