riêng tại Thủ Đức, khu vực được coi là an toàn gần Thủ đô Sài Gòn, bị Việt
cộng bắt cóc và giết chết. Việc này làm cho Tổng thống Diệm phải viết thư
báo động với Tổng thống Kennedy về chủ trương xâm lăng của Hà Nội...
Tôi chỉ kể qua một ít hoạt động của Việt cộng, nhưng nhìn vào bản đồ miền
Nam năm 1961 thì những vết đỏ giới hạn ban đầu đã từ từ lan tỏa khắp miền
Nam, từ tuyến đầu Quảng Trị vào đến Cà Mau heo hút, từ Duyên Hải trù
phú lên đến Cao Nguyên màu mỡ rồi.
Trước hoàn cảnh bi đát đó, người quốc gia không thể cứ ngồi nhìn anh em
ông Diệm và chế độ “Cần Lao Công giáo” bất lực và thối nát kia bám lấy
địa vị và xé dần bản dư đồ Việt Nam cho rách nát thêm. Họ nhận định rằng
nếu chế độ Diệm tồn tại thì họ sẽ không có một cơ may nào để sinh tồn vì
họ vừa phải chống giặc ngoài vừa dẹp thù trong, nên người quốc gia miền
Nam đã hết lớp này đến lớp khác, kẻ này bị bắt bị giết thì kẻ khác lại vùng
lên. Biểu hiện rõ ràng nhất là một biến cố vào đầu năm 1962, tưởng đã tiêu
diệt được trọn họ Ngô Đình.
* * * * *
Sáng ngày 27-2-1962, khoảng 7 giờ, tôi đang chuẩn bị đến văn phòng thì
bỗng nghe những tiếng nổ dữ dội, rồi một vùng khói đen nghịt cuồn cuộn từ
phía dinh Độc Lập tỏa lên cao, trong lúc trên bầu trời quận 1 và quận 2
thành phố, hai chiếc chiến đấu cơ đang bay lượn theo đội hình tác chiến.
Không cần phải kiểm chứng tôi cũng biết được dinh Độc Lập đã bị ném
bom như chỉ cách đây 2 năm, ngày 10-3-1960, dinh Tổng thống Sukarno ở
Nam Dương cũng bị phi cơ bắn phá.
Tôi bèn lên xe chạy ngay vào dinh Độc Lập nhưng đến nơi thì thấy cửa vào
dinh đã đóng kín, quân phòng vệ Phủ tổng thống đã bố trí trong tư thế tác
chiến cả bốn mặt. Tôi gặp tướng Nguyễn Khánh dọc đường nên hai chúng
tôi bèn trở lại theo phía cổng đường Nguyễn Du mà vào. Nhìn thấy cánh trái
dinh Độc Lập bị sụp đổ, tôi nghĩ rằng vợ chồng Ngô Đình Nhu đã bị trúng
bom rồi, không ngờ khi đến một căn phòng nhỏ hẹp ngay dưới cầu thang
chính của phòng Đại sảnh, nơi xây cất vững chắc nhất, thì thấy Tổng thống