VIỆT NAM MỘT THIÊN LỊCH SỬ - Trang 242

Những cuộc đấu tranh lớn trong những năm 1930

- 1931

Thất bại của Quốc dân đảng ở Yên Bái không hề cản trở sự phát triển

cuộc đấu tranh của cả dân tộc và của nhân dân, bởi vì từ trong lòng đông
đảo quần chúng đang bị cuộc khủng hoảng kinh tế làm đảo lộn cuộc sống,
Đảng Cộng sản vừa mới ra đời có tác động thực sự như một chất men.
Đảng trực tiếp nắm quyền lãnh đạo các cuộc đấu tranh quần chúng, thúc
đẩy cuộc đấu tranh với những hình thức mới.

Năm 1930, những công hội bí mật do Đảng thành lập có khoảng 10.000

hội viên, chính sách của Đảng là tổ chức giai cấp công nhân thành lực
lượng có khả năng lãnh đạo hành động cách mạng của nhân dân. Vấn đề là
biến các xí nghiệp thành những pháo đài cách mạng. Nhiều cuộc bãi công
lớn nổ ra trong thời gian từ năm 1929 đến tháng 4 năm 1930; từ mồng một
tháng 5 năm 1930 đến mồng một tháng 5 năm 1931, có 32 cuộc bãi công.

Còn quan trọng hơn cả số lượng các cuộc bãi công là tính chất quyết liệt

của cuộc đấu tranh, trình độ tổ chức và ý thức chính trị của những người
tham gia. Ở châu Âu, bãi công là một hành vi hợp pháp, nhưng ở Việt Nam,
một người bãi công có thể bị phạt tù 5 năm, có khi bị phát vãng nếu bị buộc
tội là ''cộng sản''; cảnh sát và quân đội không ngần ngại nổ súng vào những
người bãi công và biểu tình. Những người bãi công thường phản ứng mạnh
mẽ chống lại bọn cảnh sát tàn bạo. Tháng 3 năm 1930, công nhân đồn điền
Phú Riềng bãi công, trước vũ khí của binh lính đóng ở đồn địa phương,
chặt cây cối ngáng đường xe cảnh sát, phụ nữ bị bọn lính lê dương làm
nhục đã ném gio trộn vôi vào mắt chúng.

Lần đầu tiên ở Bến Thủy thuộc tỉnh Nghệ An, công nhân Việt Nam chào

mừng ngày mồng 1 tháng 5. Loạt súng của tên chủ nhà máy người Pháp và
cảnh sát làm chết 7 người và bị thương 13 người.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.