cho? Vậy thì chi bằng trước hãy tôn ngay quan Thập đạo Tướng quân (tức
Lê Hoàn) lên ngôi Thiên Tử rồi sau đó mới xuất quân.
Quân sĩ nghe vậy thì đều tung hô “vạn tuế”. Dương Thái hậu cũng một
lòng mến phục, liền sai lấy tấm Long Cổn khoác lên người Lê Hoàn, rồi
cũng chính Dương Thái hậu khuyên Lê Hoàn lên ngôi. Lê Hoàn lên ngôi,
đổi niên hiệu là (Thiên Phúc), giáng Hoàng đế là Đinh Toàn xuống làm Vệ
Vương như cũ”.
Lời bàn
Đinh Tiên Hoàng mất, vua nối ngôi là Đinh Toàn chỉ mới được sáu tuổi,
Lê Hoàn làm Phó Vương, giữ quyền nhiếp chính, ấy là vì sự thể lúc đó
buộc phải làm như vậy. Sau, vận nước lâm nguy, xã tắc không thể phó thác
cho Đinh Toàn bé nhỏ, chư tướng cùng Dương Thái hậu tôn Lê Hoàn lên
ngôi, và Lê Hoàn đã vui nhận ý tôn lập đó, ấy cũng bởi sự thể lúc bấy giờ
buộc phải làm như vậy đó thôi.
Ai lên ngôi để hưởng cuộc đời nhung lụa, còn Lê Hoàn lên ngôi trước
hết là để nhận lấy sứ mệnh vinh quang mà cực kì khó khăn, đó là chỉ huy
cuộc chiến đấu chống quân Tống xâm lăng, bảo vệ nền tự chủ và thái bình
cho xã tắc, kính thay!
Cũng là anh em ruột thịt một nhà nhưng nếp nghĩ của Phạm Hạp và
Phạm Cự Lượng mới khác nhau làm sao. Ai dám bảo rằng Phạm Hạp bất
tài và bất trung? Nhưng, chút suy nghĩ nông cạn đã đẩy Phạm Hạp vào ngõ
cụt đầy bi kịch. Mới hay, giữa cái tốt và cái xấu, giữa cao thượng với thấp
hèn, giữa anh hùng với phản nghịch, tất cả, đôi khi chỉ xuất phát từ một
phút suy nghĩ nông cạn và rất điên rồ đó thôi.
Trách Phạm Cự Lượng và chư tướng sao chỉ nghĩ đến việc cần người ghi
nhận công lao cho mình ư? Rằng đúng thì kể cũng có phần đúng, nhưng
nếu cứ lấy đạo đức ngày nay làm chuẩn để xét đoán, thì lịch sử sẽ chẳng
còn là lịch sử nữa. Có phải cái đúng bao giờ cũng đúng hết với mọi thời
đâu. Ngẫm mà xem!