Với sự kiện Lê Hoàn lên ngôi, nhà Lê được lập ra. Để phân biệt với
triều Lê sau (mở đầu là Lê Lợi), sử gọi đây là triều Tiền Lê.
Triều Tiền Lê tồn tại trước sau tổng cộng ba đời vua trị vì gần ba mươi
năm. Ba đời vua đó là:
Lê Hoàn: 980-1005. Nhà vua sinh năm Tân Sửu (941) tại Ái Châu
(đất này nay thuộc Thanh Hóa), ở ngôi 25 năm, mất năm Ất Tị (1005),
tại Hoa Lư, thọ 64 tuổi. Khi ở ngôi, Nhà vua đã đặt ba niên hiệu là
Thiên Phúc (980-988), Hưng Thống (989-993) và Ứng Thiên (994-
1005).
Lê Trung Tông: 1005. Nhà vua tên thật là Lê Long Việt, con thứ ba
của Lê Hoàn, sinh năm Quý Mùi (983) tại Hoa Lư, được lập làm Thái
Tử năm 1004, nối ngôi vào tháng 3 năm 1005, nhưng vừa lên ngôi
được ba ngày thì đã bị người em cùng cha cùng mẹ là Lê Long Đĩnh
giết hại, thọ 22 tuổi. Vua chưa kịp đặt niên hiệu.
Lê Ngọa Triều: 1005-1009. Nhà vua tên thật là Lê Long Đĩnh, bản
tính tàn bạo, ăn ở thất đức, giết anh ruột để cướp ngôi, đối xử với quần
thần rất vô đạo, sau ăn chơi trác táng lại mắc bệnh trĩ nên ngồi không
được, vì thế, sử gọi là Lê Ngọa Triều (ông vua họ Lê, ra triều phải
nằm). Nhà vua mất vào tháng 10 năm 1005, thọ 23 tuổi (986-1009).
Cũng như nhà Đinh, nhà Tiền Lê đóng đô tại Hoa Lư. Không thấy sử
chép việc đổi quốc hiệu, như vậy, quốc hiệu Đại Cồ Việt có lẽ đã được tiếp
tục sử dụng.
Ngay sau khi Lê Ngọa Triều mất, Lý Công Uẩn được tôn lên ngôi vua.
Triều Lý được thành lập kể từ đó. Tuy nhiên, mọi chuyện thuộc về triều Lý
thì đã có tập 51 giai thoại thời Lý rồi.