39. Nhân chuyện Mạc Hiển Tích, bàn về chuyện viết sử
Sách Đại Việt sử lược (quyển 3, tờ 12-a) cho biết, vào năm Kỉ Dậu
(1189), vua Lý Cao Tông giao cho đình thần xét xử vụ án Mạc Hiển Tích,
nhưng đình thần sợ Mạc Hiển Tích, không dám xử đến nơi đến chốn. Bởi
vậy, tháng 3 năm Canh Tuất (1190), vua Lý Cao Tông phải tự xuống chiếu
đày Mạc Hiển Tích đến trại Quy Hóa. Việc xét xử Mạc Hiển Tích của đình
thần đã được chép như sau:
“Vua sai Thái phó là Ngô Lý Tín và Đô quan lang trung
Trường xét việc kiện Thiếu sư
Mạc Hiển Tích. Bọn Năng Trường sợ
Hiển Tích nên không dám truy cứu, Người trong nước bèn (làm thơ) chế
giễu rằng:
Ngô Phụ quốc thị Lan
Lê Đô quan thị Kích
Án nhất tụng Mạc Tích
Đản cục tích nhi dĩ.
Nghĩa là: Ông Phụ quốc họ Ngô và ông Đô quan họ Lê là hai người điên
(Lan và Kích là tên hai người điên), xét có mỗi vụ kiện Mạc Hiển Tích mà
rốt cuộc chỉ có sợ hãi thôi.
Lúc bấy giờ, Vua tuổi còn non nớt, Hiển Tích tư thông với Thái hậu, cho
nên người đương thời sợ Hiển Tích”.
Lời bàn
Riêng ở giai thoại này, thay vì bàn về các nhân vật và sự kiện của lịch sử,
người kể chuyện xin được mạo muội bàn về người viết sử.
Trước hết, các tài liệu quan trọng khác như Đại Việt sử kí toàn thư và
Lịch triều hiến chương loại chí đều nói Mạc Hiển Tích đỗ đầu khoa thi năm
Bính Dần (1086). Cứ cho ông tài giỏi hơn người, đỗ đại khoa vào năm hai
mươi tuổi, thì tính ra, đến năm ông bị kiện rồi bị đi đày, ông đã thọ đến trên
120 tuổi! Ôi, trên 120 tuổi mà còn cường tráng đến độ ham vui với Thái
hậu để rồi bị kiện, khiếp thay!