một ngón chân để phân biệt với người khác!” Người đó van xin mãi mới
tha cho. Từ đó không ai dám đến thăm Thủ Độ vì việc riêng nữa.
Thái Tông có lần muốn cho người anh của Thủ Độ là An Quốc làm Tể
tướng, Thủ Độ tâu: “An Quốc là anh thần, nếu cho là giỏi hơn thần thì thần
xin trí sĩ, còn nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc.
Nếu anh em đều làm Tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra sao?”. Vua bèn
thôi.
Thủ Độ tuy làm Tể tướng nhưng mọi việc đều để ý chu tất, vì thế đã giúp
nên vương nghiệp và giữ được tiếng tốt cho đến lúc mất”.
Người kể chuyện xin có hai chú thích nhỏ. Một là Linh Từ Quốc Mẫu
(gọi tắt là Quốc Mẫu) hay Công chúa nói đến trong ghi chép trên chính là
bà Trần Thị Dung, vợ của Trần Thủ Độ. Bà vốn là con gái của Trần Lý,
từng là Hoàng hậu của vua Lý Huệ Tông, nhà Lý đổ, bà bị giáng làm Thiên
Cực Công chúa và đem gả cho Trần Thủ Độ. Do có công lớn trong cuộc
kháng chiến chống quân Mông Cổ xâm lược lần thứ nhất, khi mất, bà được
phong là Linh Từ Quốc Mẫu. Chú thích thứ hai: chức Câu đương chỉ là một
chức dịch nhỏ ở xã.
Lời bàn
Chính quyền nhà Trần là chính quyền của quý tộc họ Trần. Chính quyền
ấy cho phép con em quý tộc được quyền sống dựa vào uy danh và bổng lộc
của cha ông. Song, đọc chuyện Trần Thủ Độ, ai dám bảo con cháu ông sẽ
dựa hơi ông để ức hiếp người đời!