09. Hai chuyện nhỏ về Trần Nhật Hiệu
Trần Nhật Hiệu (1225-1268) là con trai thứ của Trần Thừa, em kế của
vua Trần Thái Tông (1225-1258). Cuộc đời của ông có hai mẩu chuyện
được sử sách xưa ghi lại.
Chuyện thứ nhất là chuyện đáng chê trách, xảy ra vào tháng chạp năm
Đinh Tị (1257), lúc triều đình nhà Trần đang thực hiện kế sách của Lê Tần,
tạm thời lui quân để bảo toàn lực lượng, chờ cơ hội đánh trận quyết định
với quân Mông Cổ xâm lăng. Chuyện này được sách Đại Việt sử kí toàn thư
(bản kỉ, quyển 5, tờ 22 b) chép tóm lược như sau:
“Vua ngự thuyền nhỏ đến thuyền Thái úy Trần Nhật Hiệu hỏi kế sách
chống giặc, Nhật Hiệu đang dựa mạn thuyền, cứ ngồi chứ không đứng dậy
nổi, chỉ lấy ngón tay chấm nước, viết hai chữ “nhập Tống” (nghĩa là chạy
vào đất Tống, tức Trung Quốc – ND) lên mạn thuyền. Vua hỏi quân Tinh
Cương ở đâu? (Tinh Cương là quân do Nhật Hiệu chỉ huy). Nhật Hiệu trả
lời là không gọi chúng đến được”.
Chuyện thứ hai là chuyện đáng khen, xảy ra vào năm Giáp Tí (1264),
nghĩa là xảy ra bảy năm sau chuyện thứ nhất. Chuyện này cũng được Đại
Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 5, tờ 29b) chép như sau:
“Tháng ba, lấy Khâm Thiên Đại vương Nhật Hiệu làm Tướng quốc Thái
úy
nắm chung việc nước. Bấy giờ, Vua cho Nhật Hiệu làm Thái sư,
nhưng Nhật Hiệu cố ý chối từ, không nhận vì xấu hổ về việc viết chữ lên
mạn thuyền. Vua tuy cho ông không nhận chức Thái sư, nhưng lại ban thêm
cho hai chữ Tướng quốc, thành Tướng quốc Thái úy”.
Lời bàn
Làm tướng ra trận, chưa đánh nhau đã hoảng sợ bỏ chạy, không còn biết
quân lính của mình ở đâu nữa, sử phải ghi để răn đời là phải lắm. Nhà vua
và triều đình khoan dung, nhưng Trần Nhật Hiệu không thể tự tha cho
mình, việc ngỡ như bình thường ấy kể cũng thật đáng kính, bởi ở đời đã
mấy ai làm được như ông. Than ôi! ước gì tất cả những bậc được thăng