24. Lê Tòng Giáo và Đinh Củng Viên
Trong triều đình nhà Trần có hai cơ quan khá đặc biệt. Cơ quan thứ nhất
là Hàn lâm
viện, chuyên lo soạn thảo ý vua thành văn bản hẳn hòi. Cơ
quan thứ hai là Ti Hành khiển, chuyên nhận bản thảo của Hàn lâm viện để
tuyên đọc cho đình thần nghe. Quan Hành khiển muốn đọc lưu loát, cắt
nghĩa rạch ròi thì phải có bản thảo trước mấy hôm để xem qua. Năm 1288,
quan coi Hàn lâm viện là Đinh Củng Viên và quan coi Ti Hành khiển là Lê
Tòng Giáo lại có chuyện xích mích với nhau. Sách Đại Việt sử kí toàn thư
(bản kỉ, quyển 5, tờ 55a và 55b) chép rằng: “Ngày tuyên đọc lời vua đã đến
rồi mà Củng Viên vẫn cố ý không đưa bản thảo. Tòng Giáo đòi nhiều lần
vẫn không được. Hôm ấy, xa giá sắp ra ngoài cung, Củng Viên mới đưa bản
thảo. Tòng Giáo tuyên đọc tờ chiếu đại xá, âm nghĩa không rõ nên phải im
lặng. Vua gọi Củng Viên đứng đàng sau nhắc bảo âm nghĩa, Tòng Giáo rất
thẹn. Tiếng nhắc của Củng Viên to dần mà tiếng đọc của Tòng Giáo lại nhỏ
đi, trong triều chỉ còn nghe tiếng của Củng Viên mà thôi. Vua về trong
cung, gọi Tòng Giáo dụ bảo rằng Củng Viên là sĩ nhân, người là trung quan
(tức quan hoạn – ND), sao lại bất hòa đến thế? Ngươi là Lưu thủ Thiên
Trường
, dùng con rươi, quả quýt làm quà đi lại, đưa tặng lẫn nhau thì có
việc gì? Từ đó, Tòng Giáo và Củng Viên giao hảo với nhau rất gắn bó”.
Về chuyện này, sử thần Ngô Sĩ Liên có một lời bàn khá dài, xin được
trích một đoạn như sau:”Vua bảo bề tôi giao hảo với nhau là để cùng nhau
làm tốt việc của nhà vua. Nhà Trần trung hậu như thế nào, kể cũng đã đủ
rõ. Nhưng, lấy hoạn quan không biết chữ làm Hành khiển cũng không
phải”.
Chép chuyện này vào bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục
(chính biên, quyển 8, tờ 10) các sử gia trong Quốc sử quán triều Nguyễn
cũng có một lời phê rất ngắn gọn, nguyên văn như sau: “ông vua này có thể
gọi là thiên tử hòa giải”.
Tiếp lời các sử thần lỗi lạc xưa, người kể chuyện cũng xin có thêm lời
bàn mạo muội như sau: Lê Tòng Giáo quả không tự biết mình, chữ nghĩa