VIỆT SỬ GIAI THOẠI - Trang 359

64. Trần Nghệ Tông

Trần Nghệ Tông tên húy là Phủ, con của vua Trần Minh Tông, lên ngôi

năm 1370, đến tháng 11 năm Nhâm Tí (1372) thì nhường ngôi cho em là
Kính (tức vua Trần Duệ Tông) để làm thượng hoàng. Duệ Tông chết trận ở
Chiêm Thành, Nghệ Tông cùng triều thần lập con trưởng của Duệ Tông là
Thái tử Hiện lên ngôi, ấy là vua Trần Phế Đế (1377-1388). Tháng 12 năm
Mậu Thìn (1388), chính Nghệ Tông đã bắt giam và sau đó ép Phế Đế phải
thắt cổ tự tử để rồi lập con út của mình là Ngung lên ngôi vua, ấy là Trần
Thuận Tông (1388-1398). Tháng 12 năm Giáp Tuất (1394) Trần Nghệ
Tông mất, thọ 73 tuổi, là vua thọ nhất trong tất cả các vua triều Trần.

Lời bàn
Khi trong triều có loạn Nhật Lễ, Nghệ Tông là người cao chạy xa bay

trước nhất. Khi lên ngôi báu, Nghệ Tông không biết trọng người hiền, giao
quyền cao cho Nguyễn Nhiên là kẻ mù chữ. Giặc ngoài tới, Nghệ Tông bỏ
mặc kinh sư và triều thần, lo giữ thân, bất chấp cả lời khuyên của học trò
Nguyễn Mộng Hoa. Sau, Nghệ Tông lại giết cháu ruột là vua Phế Đế để
đưa con mình lên ngôi. Nghệ Tông thực đã tiếp loạn cho loạn vậy. Sử thần
Ngô Sĩ Liên nói:

“Bọn loạn thần tặc tử mà thực hiện được mưu kế của chúng nguyên nhân

nào phải một sớm một chiều. Việc ấy có ngọn nguồn và phải hình thành
dần dần từ lâu trước đó. Cho nên thánh nhân phải nhận biết âm mưu từ
sớm, và thận trọng phòng giữ ngay. Họ Hồ cướp ngôi nhà Trần, chẳng
những vì Nghệ Tông không thận trọng trước âm mưu của nó, mà còn vì
(Nghệ Tông) cũng đã gây ra đầu mối nữa”.

Ngày tàn lụi của họ Trần trên chính trường đã bắt đầu từ đây rồi chăng?
Ôi, trong trường hợp này, thọ mà làm gì!

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.