thắng này, Trần Ngỗi bất đồng ý kiến với Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân.
Để giải quyết sự bất đồng, Trần Ngỗi đã giết chết cả hai vị hổ tướng. Việc
làm ngu muội ấy thật không khác gì Trần Ngỗi tự chặt đứt hai cánh tay của
chính mình, và đó là lần đại thất đức thứ hai.
Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị vì căm giận Trần Ngỗi giết hại cha
mình, bèn bỏ Trần Ngỗi chạy về Thanh Hóa, lập một tôn thất khác là Trần
Quý Khoáng lên ngôi để tiếp tục cuộc kháng chiến chống quân Minh. Trần
Quý Khoáng là con của Mẫn Vương Ngạc, cháu nội của Trần Nghệ Tông
và cũng là cháu gọi Trần Ngỗi bằng chú ruột. Thời Hồ, Trần Quý Khoáng
được phong là Nhập nội trị trung, đến đây lên ngôi, lấy hiệu là Trùng
Quang, sử nhân đó gọi ông là Trùng Quang Đế.
Một lực lượng, cùng chống một kẻ thù chung là quân Minh, nhưng lại có
đến hai Hoàng đế họ Trần lãnh đạo, đó là điều chẳng hay. Để khắc phục
tình trạng này, ngày 17 tháng 3 năm Kỉ Sửu (1409), các tướng của Trùng
Quang Đế như Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy, Nguyễn
Chương … đã tổ chức đánh úp và bắt Giản Định Đế Trần Ngỗi về. Tuy
nhiên, bắt về không phải để giết mà là để hợp nhất lực lượng. Cách làm tuy
có thô bạo nhưng mục đích thì quả là rất cần thiết. Tiếc thay, Giản Định Đế
Trần Ngỗi lại không thấy được hết sự cần thiết này. Sách Đại Việt sử kí
toàn thư (bản kỉ, quyển 9, tờ 13-b) chép:
“Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng bảy (năm Kỉ Sửu, 1409 – ND), Hưng
Khánh Thái hậu (mẹ của Trần Ngỗi – ND) cùng với Hành khiển là Lê Tiệt,
Lê Nguyên Đỉnh ngấm khởi binh ở Hát Giang, mưu đánh úp Trùng Quang
Đế. Người Nghệ An là Nguyễn Trạo tiết lộ việc ấy. Trùng Quang Đế giết
bọn Tiệt và Nguyên Đỉnh, còn những người khác thì đều tha cả”.
Với sự kiện này, chúng ta có thể biết được gốc mạch của sự đại thất đức
ở Trần Ngỗi bắt đầu từ đâu. Mẹ nào con nấy, cổ nhân nói chẳng sai chút
nào. Cũng may mà Trùng Quang Đế xử thế có phần khác hơn. Cũng sách
trên viết tiếp:
“Ngày 20 (tháng 4 năm Kỉ Sửu – ND) bọn Nguyên Súy dẫn Hưng Khánh
(đây chỉ Trần Ngỗi – ND) đến sông Tam Chế (tức sông Lam – ND) ở Nghệ