… bất ngờ được đưa lên làm vua, dầu lúc ấy mới mười một tuổi. Đó là vua
Lê Kính Tông (1599-1619).
Lê Duy Tân là bậc thần đồng mẫn tuệ hơn người chăng? Tiếc thay, sự thể
lại không phải như vậy. Các tác giả sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục
biên, quyển 18, tờ 1-a) đã nhận xét về vua Lê Kính Tông như sau: Nhà vua
“riêng nghe mưu gian, đến nỗi có việc chẳng lành, thực đáng thương lắm”.
Năm 1619, Lê Kính Tông bị chúa Trịnh Tùng giết hại. Cho nên, nói là vua
không hề thông minh cũng được, mà nói là vua hèn cũng được.
Đưa Lê Duy Đàm lên ngôi vua là Trịnh Tùng, mà đẩy Lê Duy Đàm phải
xuống suối vàng lúc mới ba mươi hai tuổi … cũng là chúa Trịnh Tùng. Mới
hay, quyền sinh sát của Nhà chúa mới khủng khiếp làm sao! Trịnh Tùng
muốn vua Lê chỉ là hư vị, cho nên, tuổi Nhà vua càng nhỏ càng tốt, đầu óc
Nhà vua càng u tối hoặc càng nhu nhược càng tốt. Lỗi của Nhà vua ở đây,
hình như chỉ là ở chỗ, càng về sau càng lớn tuổi đó thôi!
Lê Duy Tân bất ngờ được lên ngôi rồi cũng bất ngờ bị giết hại, nghĩa là
cực may với cực rủi xa cách nhau nào có là bao. Con diều giấy bay ở trên
cao, có biết đâu, người ta tung mình lên thì người ta cũng có thể kéo mình
xuống. Không thể tự bay như chim thì điểm trang màu mè diêm dúa cho
đôi cánh giấy, nhiều lắm cũng chỉ mua vui chốc lát cho thiên hạ mà thôi.