phù của Sái Tập sang sông từ trước nên thoát được. Bọn tướng sĩ ở các
châu Kinh Nam, Giang Tây, Ngạc, Nhạc và Tương (tất cả đều thuộc Trung
Quốc) tất cả hơn bốn trăm người đều chạy về phía đông của thành, chỗ tiếp
giáp với con sông. Quan Ngu hầu của châu Kinh Nam là Nguyễn Duy Đức
nói với quân sĩ rằng: -Bọn ta không có thuyền, xuống nước tất phải chết,
vậy, chi bằng ta hãy quay lại đánh nhau với bọn người Man, ta lấy một chọi
hai, hẳn cũng có lợi chút ít.
Nói rồi, bèn cùng nhau trở lại thành, vào phía cửa Đông của La Thành.
Khi ấy, người Man không phòng bị. Bọn (Nguyễn) Duy Đức tung quân
đánh mạnh, giết được hơn hai vạn quân Man. Đến đêm, tướng của người
Man là Dương Tự Tấn từ trong thành đem quân ra cứu. Bọn (Nguyễn) Duy
Đức đều bị giết cả. Như vậy, Nam Chiếu hai lần đánh chiếm Giao Châu,
vừa giết vừa bắt đi tổng cộng gần mười lăm vạn người”.
Lời bàn
Lý Trác, Sái Kinh, Sái Tập, Trịnh Ngu hay Nguyễn Duy Đức … tất cả
đều là quan lại và tướng lĩnh của triều đình nhà Đường, đều là những kẻ
từng có một thời tác oai tác quái trên đất nước ta. Song, chuyện của họ nào
phải do sử gia vô tình chép lại mà có?
Một Lý Trác tham của khiến cho sinh linh cả một phương điêu đứng,
loạn li chết chóc mấy năm không dứt, khiếp thay! Mới hay, việc chọn quan
can hệ đến vận mệnh của trăm họ biết ngần nào.
Một Sái Kinh nhỏ nhen và ganh ghét, đủ để khiến cho tướng Sái Tập
cùng quân sĩ và gia quyến phải bỏ mình, đủ để khiến cho sau đó, cả tướng
Nguyễn Duy Đức cùng bộ hạ phải thiệt mạng. Mới hay, sự nhỏ nhen của
đồng liêu, đôi khi còn khủng khiếp hơn cả một đạo quân hung hãn của đối
phương. Làm vua mà dung nạp bọn nhỏ nhen ấy thì cũng có nghĩa là tự
chặt bớt tay chân của mình vậy.
Biết thế, nhưng vua Đường là vua Đường, làm sao khác được!