- Ba là: Dân lậu có hai hạng. Một hạng trốn thuế mà đi lang thang, một
hạng vì quá cơ hàn mà phải phiêu bạt. Nay, nếu không chia đẳng hạng, hết
thảy đều bắt ghi tên vào sổ để thu thuế, thì tất nhiên chúng sẽ sợ hãi rồi
chạy trốn vào chốn rừng rú, xã dân ở lại mà phải đóng thay thì họ chịu sao
nổi. Vậy, xin xét cho kĩ, dân lậu nào còn có cách sinh nhai thì thu thuế như
lệ thường, còn những ai đói rét khốn cùng thì cho miễn và tùy cách mà vỗ
về nuôi nấng để cứu lấy dân nghèo.
- Bốn là: Nên để cho dân được yên, không nên khuấy động họ, vì yên thì
dễ trị, khuấy động thì dễ sinh loạn. Nay, nếu cứ sai người đi săn bắn ở núi
rừng, hết đòi gà lại đòi ngựa, bọn chúng không hề theo ý tốt của bề trên mà
chỉ lo quấy rối nhân dân các địa phương, bọn giả mạo ấy đi đến đâu là ở đó
náo loạn, thì mọi người ta oán là điều không sao tránh khỏi. Vậy, từ nay
nếu có sai người đi thì cấp giấy tờ để họ trình cho quan địa phương xét, kẻ
nào nhiễu dân thì phải trị, có thế may ra dân mới được yên.
Thưdâng lên nhưng không được Chúa trả lời”.
Lời bàn
Dân là gốc của nước, lời ấy, Nguyễn Cư Trinh chỉ là người nhắc lại,
nhưng ngẫm cho kĩ, thì đó cũng là lời tâm huyết, cất lên từ đáy lòng của
ông, thời ấy, chính sự ấy nếu không phải là bậc thực sự ưu thời mẫn thế,
quyết không thể nói được.
Nguyễn Cư Trinh nêu ra những thói tệ cụ thể và cũng đề ra các biện pháp
khắc phục rất rõ ràng. Xem thế cũng đủ biết, ông là người biết xử việc. Tiếc
thay, Chúa nhận thư mà chẳng trả lời. Ở đời, có khi im lặng là vàng, nhưng
cũng có khi, im lặng là … ngược lại, ai muốn hiểu sao, xin tùy. Người
thường mà để cho thiên hạ tùy ý hiểu mình đã không được, huống chi là kẻ
chăn dân.