13. Đức độ của vua Lý Thánh Tông
Lý Thánh Tông (1054-1072) tên húy là Nhật Tôn, con trưởng của Thái
Tông, mẹ là Kim Thiên Thái hậu họ Mai. Năm Thiên Thành thứ 1 (1028)
Nhật Tôn được sách phong
Đông cung thái tử, Thái Tông băng, bèn lên
ngôi báu. Ông là vị vua rất mộ đạo, giàu đức từ bi và từng cho xây cất rất
nhiều chùa chiền. Lòng lành của Lý Thánh Tông tỏa đến cả tù nhân trong
ngục tối. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 3, tờ 1-b) có chép một
mẩu chuyện xẩy ra vào năm Ất Mùi (1055) như sau:
“Mùa Đông, tháng 10, trời giá rét lắm. Vua bảo các quan tả hữu rằng:
Trẫm ở trong cung cấm, nào lò sưởi ngự, nào áo hồ cầu (áo lông cáo) mà
còn rét như thế này, huống chi là tù nhân trong ngục, thân khổ vì gông cùm,
gian ngay chưa rõ, vậy mà cơm ăn không no bụng, mặc áo không kín thân,
khốn khổ vì gió rét, có kẻ chết không đáng tội … Trẫm rất lấy làm thương
xót. Vậy, lệnh cho hữu ti phát chăn chiếu và cấp cơm ăn ngày hai bữa”.
Sau khi chép lại sự kiện này, các tác giả sách Khâm định Việt sử thông
giám cương mục đã thẳng thắn phê ngay một câu rằng: “Còn dân lành thì
sao?”.
Lời bàn
Đại Việt sử kí toàn thư chép thiếu, có lẽ sách Khâm định Việt sử giám
cương mục cứ theo sự không đầy đủ ấy mà chép lại nên mới ngỡ là vua Lý
Thánh Tông chỉ mới nghĩ đến tù nhân, chưa nghĩ đến dân lành. Xem sách
Đại Việt sử lược (tác phẩm khuyết danh, viết vào đầu thế kỉ XIII, quyển 2
tờ 10-b) thì thấy còn có một câu ở ngay cuối đoạn văn trên. Câu ấy như
sau: “Vua ban cho dân trong cả nước một nửa số tiền thuế năm đó”.
Thế là đã rõ.
Hiển nhiên, Lý Thánh Tông hay bất cứ ông vua nào thuở xưa, dù nhân
đức bao nhiêu thì cũng là người bóc lột. Song, điều đáng nói ở đây là người
bóc lột ấy đã biết chăm lo đến đối tượng bóc lột của mình, ấy là dân. Mà
dân muôn đời chắc cũng mong được như vậy.