11. Ngày tàn của họ Mạc
Năm Nhâm Thìn (1592) là năm ghi nhận sự tàn lụi của họ Mạc. Kể ra thì
sau đó, họ Mạc vẫn còn tiếp tục xưng vương xưng đế thêm một thời gian
nữa, nhưng thực lực chẳng còn, có cũng như không vậy. Mở đầu triều Mạc
là Mạc Đăng Dung, nhờ có tài đánh vật mà được bổ làm quan, rồi dần dần,
quật đổ cả nhà Lê mà lập ra nhà Mạc, tiếc thay con cháu chẳng nối được
chí lớn của tổ tiên, đến đây, vua của nhà Mạc là Mạc Mậu Hợp lại gục ngã
bởi một người đàn bà. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển
17, tờ 31a-b) chép rằng:
“Mạc Mậu Hợp càng ngày càng buông thả, đam mê tửu sắc một cách
bừa bãi. Bấy giờ, vì vợ của Sơn Quận công Bùi Văn Khuê là Nguyễn Thị
Niên có chị ruột đang là Hoàng hậu của Mạc Mậu Hợp, bởi vậy, bà vẫn
thường hay ra vào trong cung. Mạc Mậu Hợp thấy bà có nhan sắc mặn mà,
lòng lấy làm thích thú lắm, bèn bí mật lập mưu giết Bùi Văn Khuê để cướp
vợ của ông ta. Cơ mưu bị lộ, Bùi Văn Khuê vội đem quân bản bộ chạy về
huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên (nay thuộc Ninh Bình – ND) chứ không
chịu ra giúp Mạc Mậu Hợp nữa. Mạc Mậu Hợp cho gọi hai ba lần mà
không được, bèn sai tướng đem quân tới hỏi tội Bùi Văn Khuê.
Tháng 10 (năm 1592 – ND) một mặt, Bùi Văn Khuê dốc quân đánh quân
Mạc, mặt khác lại cho con chạy vào Thanh Hoa, lạy xin đầu hàng (Nam
triều), khóc mà nói rằng: -Thân phụ của thần là Bùi Văn Khuê bị họ Mạc
ngầm sai quân đến bức hại. Thân phụ của thần sai thần thay mặt, liều đến tạ
tội và xin theo về với triều đình. Thần xin cúi mình hàng phục để cầu được
sống, nếu triều đình ưng thuận, thần xin khắc ghi ơn nghĩa vào tận xương
cốt, trọn đời cảm phục không quên. Nếu may mà thần được đội ơn đức lớn,
được triều đình xét rõ lòng thành, thì xin cho một lữ quân tới cứu. Thân phụ
thần là kẻ hèn mọn ở ph+ơng xa, nếu được oai trời rủ lòng thương xót đến,
thì nhất định sẽ tình nguyện làm người dẫn đường (đi đánh quân Mạc), cho
dẫu có phải chết cũng không dám chối từ, quyết lập công báo đáp.