54. Thương hại thay, chư vị sinh đồ!
Thế kỉ XVII là thế kỉ loạn li, dầu vậy, sĩ tử bốn phương cũng chẳng hề vì
thế mà sao nhãng việc dùi mài kinh sử để sẵn sàng ứng thí. Tuy nhiên, thời
loạn đến đó đã có bề dày lịch sử cả trăm năm, sự nhiễu nhương đã có quá
đủ điều kiện để thấm khắp mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, kể cả các
trường thi, nhất là trường thi Hương. Tháng tư năm Giáp Thìn (1664), triều
đình vua Lê Huyền Tông và chúa Trịnh Tạc đã buộc phải tổ chức cho một
loạt sinh đồ thi lại. Chuyện này được sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ
tục biên, quyển 19, tờ 7-b) chép như sau:
“Mùa hạ, tháng tư, sai quan Phó tướng, hàm Thiếu phó, tước Tông Quận
công là Trịnh Hoành, cùng với quan Bồi tụng
tước Phong Lộc Tử là Ngô Tuấn, ra bãi sông Nhị để phúc khảo lại Sinh đồ
các xứ.
Trước đó, phép thi còn rất lỏng lẻo, cho thí sinh mang sách vào trường
thi. Từ năm Canh Tí (tức năm 1660 – ND) đến nay, tuy đã cấm chỉ, nhưng
lệnh ấy vẫn chưa được áp dụng nghiêm ngặt khiến cho kẻ đỗ đạt phần
nhiều dốt nát, thậm chí, có kẻ còn nhờ người làm bài giúp, dư luận rất xôn
xao.
Đến đây, triều đình sai quan phúc khảo Sinh đồ đã đỗ trong ba khoa là
Đinh Dậu (tức năm 1657 – ND), Canh Tí (tức năm 1660 – ND) và Quý
Mão (tức năm 1663 – ND). Đề thi phúc khảo dùng một bài thơ Đường luật,
một bài ám tả chính văn kiêm đại chú trong Kinh và Truyện. Ai đỗ thì vẫn
được coi là sinh đồ, ai hỏng phải ở lại học tiếp ba năm nhưng vẫn được cho
miễn tạp dịch. Sau, nếu thi lại lần nữa mà vẫn không đỗ mới bắt về làm
dân, chịu tạp dịch như mọi dân đinh khác. Bấy giờ, người hỏng thi (phúc
khảo) tính ra cũng đến quá nửa”.
Lời bàn
Bấy giờ, nói đi học là học để làm quan, để được bước vào hoạn lộ mà
tìm tiền tài và danh vọng. Đỗ Sinh đồ (về sau đổi là Tú tài), tuy chỉ là đỗ
thấp nhất trong hệ thống học vị của giáo dục Nho học, nhưng cũng đã có