thể được bổ làm quan huyện, bởi vậy, đây chính là mục tiêu phổ biến nhất
của sĩ tử thuở xưa. Kẻ biết mình không thể vươn xa thường tìm đủ mọi
cách để giành cho được học vị này. Tệ nạn trường thi Hương ngày một
nặng nề. Bỏ ra ba quan để hối lộ là đã có thể có học vị Sinh đồ, dân gian
mai mỉa gọi đó là Sinh đồ ba quan, kể cũng chẳng sai chút nào.
Kẻ dốt nát mà đỗ đạt, đâu phải chỉ khiến cho đội ngũ những kẻ cầm
quyền thiếu năng lực đâu. Con đỏ thừa kẻ chăn dắt nhưng lại thiếu cái ăn,
thương thay. Nếu đông tây kim cổ mà vẫn có nơi tự hào là may mắn có lắm
quan, thì thiên hạ thời ấy cũng đã có thể ngậm đắng nuốt cay, gạt nước mắt
mà tự hào, đàng này …!
Triều đình bắt sĩ tử thi lại là cốt để chọn cho bằng được đấng chân tài
chăng? Than ôi, nếu có tài thì họ đã chẳng cam lòng mua học vị Sinh đồ
làm gì. Cỏ kẻ độc miệng bảo rằng, đấy chẳng qua là bởi triều đình kiếm cớ
để nhận hối lộ lần thứ hai, ngạo mạn và vô lễ quá, nhưng, kẻ hậu sinh thẳng
thắn, soi đèn tìm khắp sử sách mà vẫn chẳng thấy chữ nào có thể bào chữa
cho triều đình. Tiếc thay. Thôi thì đành dựng bút làm nhang, kính cẩn thỉnh
hương hồn chư vị quan phúc khảo thuở nào, về ngay đoạn này, đọc lại, suy
gẫm và tự bào chữa cho mình vậy. Còn như chư vị sinh đồ ba quan trước
năm Đinh Dậu (1657) và sau năm Quý Mão (1663) xin chớ có vội cả mừng
vì thoát nạn. Sử gia thuở xưa thì ít mà công việc thì nhiều, không làm sao
chép hết sự nhiễu nhương trong thiên hạ, song, hậu thế xét người từ công
đức có phải từ mảnh bằng của chư vị đâu. Khi cất công tìm kiếm mà chẳng
thấy công đức thì chư vị là ai, không nói cũng biết rồi. Phải không?