48. Vụ án năm Canh Tí (1780)
Tháng 9 năm Canh Tí (1780), một vụ án lớn đã xảy ra ngay trong phủ
chúa Trịnh. Bị can gồm Trịnh Khải là con của Trịnh Sâm cùng với một loạt
các vị quan lại và đại thần đương thời. Vụ án này đã được sách Khâm định
Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 45 tờ 19, tờ 20 và tờ 21)
chép lại như sau:
“(Trịnh) Khải là con do Dương Thị, một trong những phi tần của Trịnh
Sâm sinh ra. Theo lệ cổ, con trai của chúa cứ đến 7 tuổi thì cho ra ở riêng
để học, nếu là con trai trưởng thì cứ đến năm 13 tuổi là cho mở phủ đệ
riêng, được phong làm Thế tử. Nhưng (Trịnh) Sâm cho rằng, (Trịnh) Khải
(lúc đầu có tên là Tông) không phải do Chính phi sinh ra nên không yêu
quý lắm. (Trịnh Sâm) dùng viên hoạn quan là Nguyễn Phương Đĩnh làm
Bảo phó cho (Trịnh) Khải. Mãi đến năm lên 9 tuổi, (Trịnh) Khải mới được
đi học. (Trịnh Sâm) dùng Nguyễn Lệ và Lý Trần Thản làm Tả Tư giảng
và Hữu Tư giảng (để lo việc dạy dỗ cho Trịnh Khải). Chưa được bao lâu,
(Lý) Trần Thản mất, Nguyễn Lệ thì ra trấn thủ Sơn Tây, cho nên, (Trịnh)
Khải ở nhà với Nguyễn Phương Đĩnh, chỉ theo mùa theo tiết mà vào yết
kiến ở phủ đường mà thôi.
Hai viên quan trong cơ quan Ngự Sử Đài là Nguyễn Thưởng và Vũ Huy
Đĩnh nhiều lần xin Trịnh Sâm lập Thế tử, nhưng họ đều bị giáng chức. Về
sau, Đặng Thị Huệ là một thị nữ được (Trịnh Sâm) yêu chiều, sinh con trai
là (Trịnh) Cán, Trịnh Sâm đặc biệt yêý hơn nên sách phong Đặng Thị (Huệ)
làm Tuyên phi. Từ đó Đặng Thị (Huệ) ra sức xây dựng phe cánh ngày một
mạnh. Ở ngoài, (phe cánh của Đặng Thị Huệ) lại có (Hoàng) Đình Bảo
giúp sức, bởi vậy, (Đặng Thị Huệ) ngầm nuôi chí lập mưu cướp ngôi Thế
tử cho con là (Trịnh) Cán. (Trịnh) Khải lấy đó là mối lo. Khi (Trịnh) Sâm bị
bệnh, (Trịnh) Khải nhiều lần vào tẩm thất để chầu và thăm hỏi, nhưng
thường bị quân canh cửa ngăn lại, không cho vào.
Lúc ấy, ở ngoài phủ thường có tin đồn loan truyền rằng (Trịnh) Sâm bị
bệnh rất nặng. (Trịnh) Khải bèn bàn mưu với gia thàn là Đàm Xuân Thụ và