Nói rồi, Vua sai thu ấn của (Nguyễn Văn) Thành và cho về ở nhà riêng.
Nghị án xong, quần thần tâu rằng, cha con (Nguyễn Văn) Thành đáng xử
tử, chỉ có quan Tham tri của bộ Lại là Trần Văn Tuân nói rằng: -(Nguyễn
Văn) Thành không biết dạy con là tội nhẹ, còn (Nguyễn) Duy Hòa dám
hạch cả đại thần là tội nặng.
Vua nói: -Thế thì khóa miệng người ta lại hay sao? Đó không phải là
chính danh đâu.
Nói rồi, sai đình thần bàn lại. Đúng lúc đó, Diên Tự Công của họ Lê là
Lê Duy Hoán mưu phản, việc bị phát giác, các quan ở Bắc Thành bàn định
đưa giải Lê Duy Hoán vào kinh. Vua nhân đó sai các quan ở bộ Hình xét
hỏi. Lê Duy Hoán nói rằng (Nguyễn Văn) Thuyên gởi thư giục nó làm
phản. Bộ Hình dâng lời khẩu cung lên, triều đình xin bắt (cha con Nguyễn
Văn Thành) để trị tội.
Năm (Gia Long) thứ mười sáu (tức năm 1817 – NKT), mùa hạ, Vua ra
lệnh bắt (Nguyễn Văn) Thành và các con giam hết ở Quân xá Thị trung
để đình thắn xét hỏi lại. (Nguyễn Văn) Thành được đưa đến Vũ Công Thự.
Hỏi: -Tính làm phản à?
Đáp: -Không!
Hỏi: -Có dự biết việc đó không?
Đáp: -Không!
Đối đáp xong, (Nguyễn Văn Thành) đi ra, mặt giận hằm hằm, về đến
Quân xá, ông nói với quan Thị trung Thống chế Hoàng Công Lý rằng, án
xét đã xong, vua bắt bề tôi phải chết mà bề tôi không chết là bề tôi bất
trung. Giờ lâu, ông đi nằm, lấy thuốc độc tự tử. Năm ấy, (Nguyễn Văn
Thành) sáu mươi tuổi (tính theo tuổi ta – NKT). Quân lính của (Nguyễn
Văn) Thành lấy được bản trần tình của ông, Hoàng Công Lý dâng vua. Lời
trần tình có câu rằng: -Sớm rèn tối đúc, tạo cho cha con tôi tội cực ác,
không thể tố cáo vào đâu được, cho nên chỉ biết chết mà thôi.
Vua cầm tờ trần tình mà thương khóc rồi dụ rằng: -(Nguyễn Văn) Thành
theo trẫm từ lúc còn ít tuổi, từng chịu gian nan và lập được công to, nay