khăn nhất. Những gì dường như không thể thường lại là có thể, đó là nhờ
lòng can đảm.” Can đảm là động lực giải phóng quá trình học hỏi và phát
triển.
Lòng can đảm sẽ được thử thách khi chúng ta chọn cách xử sự cao thượng,
ngay cả trong trường hợp bị những người khác đối xử tồi tệ
Năm 2004, tôi viết cuốn sách Winning with People: Discover the People
Principles That Work for You Every Time (tạm dịch: Chiến thắng mọi lúc
mọi nơi: Khám phá những nguyên tắc xử thế). Trong đó Nguyên tắc Cao
thượng được phát biểu như sau: “Chúng ta vươn tới một cấp độ cao hơn khi
chúng ta đối xử với người khác tốt hơn cách họ đối xử với chúng ta.” Khi
đề cập tới vấn đề này, chúng ta chỉ có ba con đường để đi:
• Đường thấp – chúng ta đối xử với người khác tệ hơn cách họ đối xử với
chúng ta.
• Đường trung bình – chúng ta đối xử với người khác như cách họ đối xử
với chúng ta.
• Đường cao – chúng ta đối xử với người khác tốt hơn cách họ đối xử với
chúng ta.
Đường thấp phá hoại các mối quan hệ và khiến người khác xa lánh chúng
ta. Đường trung bình có thể không đẩy mọi người xa cách chúng ta nhưng
cũng không thu hút họ về phía chúng ta. Còn con đường cao thượng tạo lập
các mối quan hệ tích cực với mọi người và thu hút họ đến với chúng ta ngay
cả trong tình huống mâu thuẫn.
Để đi theo con đường cao thượng, cần phải có hai điều. Thứ nhất là lòng
can đảm. Làm thế nào để có được điều đó? Bằng cách dựa vào điều thứ hai,
như Giáo sĩ James B. Mooneyhan viết: