Có hai loại người - loại người thứ nhất là những người bước vào phòng và
nói: "Tôi đây!"; còn loại người thứ hai thì bước vào và nói: "A, bạn đây
rồi!". Chúng ta cần trở thành loại người thứ hai. Lắng nghe người khác là
một cách thể hiện sự tôn trọng. Chắc hẳn ai cũng đạt được thành công nhất
định nào đó trong cuộc đời họ. Nếu bạn biết đặt câu hỏi và tìm hiểu chút ít
về người đó, bạn sẽ tìm ra được lý do để nói: "Tôi tôn trọng bạn", hay "Tôi
cảm phục bạn". Thỉnh thoảng, những người sắp đi dự tiệc hoặc tham dự
một sự kiện nào đó có hỏi tôi: "Tôi nên nói gì đây?". Tôi chỉ khuyên họ nên
đặt ra câu hỏi. Cuộc trò chuyện sẽ diễn ra suôn sẻ khi bạn biết khơi mào
trước bằng những câu hỏi.
Mọi người nhận xét rằng tôi rất có tài ăn nói. Ngẫm lại, tôi nhận thấy tôi
hầu như rất ít nói, nhưng tôi chủ động đặt câu hỏi. Chẳng hạn, có lần tôi nói
chuyện với một đứa cháu gái trong cuộc họp mặt gia đình, tôi đã bắt đầu
bằng một vài câu hỏi thăm như: "Mấy đứa con của cháu dạo này thế nào?
Có một đứa vừa mới tốt nghiệp cấp ba phải không?"... Nhờ vậy mà tôi mới
biết đứa con trai của cháu tốt nghiệp hạng thứ ba trong tổng số 600 học sinh
lớp cuối cấp và được bốn trường đại học lớn cấp học bổng. Tuyệt vời, thành
tích đó rất đáng được tôi tôn trọng! Khi cậu con trai tiến về phía tôi, tôi đã
biết được kết quả học tập của nó nên nói ngay: "Chúc mừng cháu! Ông cảm
phục cháu lắm!".
Khi con trai tôi, Dick, chạy đua vào chức thống đốc bang, có người khuyên
rằng nó cần học cách gặp gỡ và chào hỏi trong vòng một phút. Các ứng cử
viên cần phải bắt tay càng nhiều người càng tốt trong suốt chiến dịch tranh
cử, nên việc chào hỏi mỗi người phải mất không quá một phút. Dick không
quen với cách làm này vì nó thường xuyên nói chuyện với mọi người, đặt
câu hỏi, lắng nghe, và nhìn vào mắt người đang nói chuyện. Dick được chỉ
bảo phải tôn trọng người khác cho dù đó là ai. Thói quen giao tiếp này đã
không giúp ích cho nó nhiều trong chiến dịch tranh cử, nhưng tôi tin Dick
vẫn gây được thiện cảm - là người biết tôn trọng người khác bởi vì nó biết