2. Nghị Hòa Cứu Nước
Phạm Lãi thúc ngựa chạy suốt đêm, hối hả trở về Đô Thành nước Việt là Cối Kê. Việt Vương vừa
trông thấy Phạm Lãi, liền vội vàng nói:
- Nhanh lên ! Binh mã chuẩn bị cho khanh đã sẵn sàng. Vậy chúng ta hãy xua quân cùng đánh một trận
sống chết với quân xâm lược của Ngô Quốc !
Thì ra, kẻ thù truyền kiếp của nước Việt ở phương Bắc là Ngô Vương Phù Sai, đích thân chỉ huy hai
cánh quân do tướng quốc Ngũ Viên và Thái tổ Bá Bỉ gồm một vạn binh mã, ồ ạt đánh vào nước Việt.
Mục đích cuộc chiến tranh này của Ngô Vương là để trả thù tiên vương Hạp Lư của nước Ngô trước
đây đã bị quân Việt đánh bại, mang thương tích và đã từ trần. Sau khi Phạm Lãi hỏi rõ địch tình, suy
xét tình thế lúc bấy giờ, bèn nói :
- Theo thần thấy, chi bằng nên cầu hòa với Ngô Quốc, cắt cho họ một ít đất, thưởng cho họ một ít tài
vật, rồi sau này sẽ tìm cách đối phó.
Việt Vương Câu Tiễn lắc lư chiếc mão vua đỉnh bằng đang đội trên đầu nói :
- Không được ! Không được ! Lời nói của nhị vị đại phu sẽ giúp cho khí thế của quân địch thêm cao,
uy phong của ta thêm nhục. Ngô Quốc là kẻ thù truyền kiếp của chúng ta. Nay họ đã kéo binh đánh ta,
thì chúng ta không thể có thái độ sợ địch như sợ cọp. Tục ngữ nói : "giặc đến thì chống, nước đến thì
chận". Binh mã của Ngô Quốc không có gì đáng sợ. Vậy hãy đánh, quả nhân đã quyết tâm đánh chúng
rồi!
Việt Vương Câu Tiễn bác bỏ tất cả những lời bàn của các đại thần chung quanh, đích thân chỉ huy ba
vạn binh mã, được Phạm Lãi và Văn Chủng cùng một số văn võ đại thần khác theo hộ vệ, bắt đầu lên
đường nghênh chiến. Thủy quân của hai nước đã giao phong tại phù Tiêu, thuộc vùng Thái Hồ.
Ngô Vương phù Sai đứng trên thuyền chỉ huy. Ông ta là một nhà vua trẻ tuổi, tinh thần đang hăng, mình
mặc khôi giáp, chính tay đánh trống chiến để thúc quân. Do vậy, tất cả tướng sĩ của Ngô Quốc đều tỏ
ra hết sức dũng cảm. Họ lại nhờ gió thổi xuôi, nên trương buồm cho chiến thuyền xông thẳng vào đội
ngũ của quân Việt. Mặc dù quân Việt liều chết chống trả, nhưng vì binh mã quá ít, đã bị đánh đại bại.
Đại tướng Linh Như Thuần, và Tư Ngạn của quân Việt đều bị thương và bị chết trận. Phạm Lãi và Văn
Chủng dẫn tinh binh, một người ở phía trái, một người ở phía phải bảo vệ Câu Tiễn, mở đường máu
chạy thoát vòng vây. Nhưng quân Ngô bỏ thuyền đổ bộ, truy kích tới cùng. Câu Tiễn chạy đến núi Cối
Kê thì cố thủ, không ra nghênh chiến. Quân Ngô bèn vây kín cả khu núi, dù nước cũng không thể chảy
lọt.
Câu Tiễn kiểm điểm lại binh mã, thấy số quân giữ núi chỉ còn năm nghìn người. Ông ta hết sức hối hận