- Ai có chí nấy, không thể miễn cưỡng được. Theo thần hiểu rõ Phạm đại phu từ lâu, một khi ông ấy
quyết định chuyện gì thì dù có mười con bò cũng không thể kéo trở lại được. Nay đại sự đã thành
công, ông ấy muốn rút lui không làm quan, vậy xin Đại vương hãy chấp nhận ý muốn thanh cao đó của
ông ấy là hơn.
Câu Tiễn thở dài thườn thượt, sai người dùng vàng đúc một pho tượng Phạm Lãi dựng tại triều đình để
kỷ niệm dài lâu.
Riêng Văn Chủng cũng nhận được một bức thư của Phạm Lãi sau khi ông đã bỏ đi. Trong thư nói :
“Sau khi cáo cầy đã chết, thì chó săn cũng bị giết theo. Khi nước địch đã bị đánh bại, thì mưu thần
cũng sẽ bị tiêu diệt. Việt Vương là người có cổ cao, miệng nhọn, chỉ có thể cùng chịu hoạn nạn, chứ
không thể cùng hưởng phú quý. Nếu ngài không bỏ đi thì chắc chắn sẽ gặp tai hoạ”.
Văn Chủng cho rằng bức thư đã nói quá sự thật, ông tin Câu tiễn không bao giờ giết chết một công thần
như ông. Nhưng, sau đó không lâu, Câu Tiễn do sợ Văn Chủng là người có công to, sẽ uy hiếp đến địa
vị của nhà vua, nên đã tìm cớ buộc Văn Chủng phải tự sát. Trước khi chết Văn Chủng tỏ ra hối hận, do
trước đây mình không nghe theo lời khuyên trung thực của Phạm Lãi, nên mới bị chết oan ức như thế
này.
Riêng Phạm Lãi đã bỏ đi đâu ? Trong đêm Phạm Lãi ra đi, ông lái đò trên Thái Hồ trông thấy một mỹ
nhân tuyệt thế xuất hiện trong khoang thuyền của mình. Người mỹ nhân đó chính là Tây Thi, là một
công thần tiêu diệt nhà Ngô mà tiếng tăm trong đời ai ai cũng biết.
Phạm Lãi đã dẫn Tây Thi theo đường Thái Hồ vào biển Đông, để đến nước Tề, đổi tên là Xi Di Tử
Tịch, và làm thương nhân. Ông kinh doanh có phương pháp, chỉ lấy lời nhẹ nhưng bán được hàng
nhiều, lại biết kính trọng mọi khách hàng, dù cho đó là một cậu bé hay một cụ già đã lẩm cẩm, nên đã
nhanh chóng đã trở thành cự phú. Vua Tề nghe tin, bèn phái người mang ấn Tể Tướng đến mời ông ra
làm quan cho nước Tề. Phạm Lãi liền đem gia sản phân chia cho người nghèo trong vùng, rồi treo quả
ấn lên tại chỗ, ra đi đến đất Đào để định cư, lấy biệt hiệu là Đào Chu Công. Ông lại làm thương nhân
và lại trở thành cự phú. Ông còn chuyên tâm viết một quyển sách có tựa là “Kỹ thuật để làm giàu”, lưu
truyền lại cho thiên hạ. Nghe đâu những thành tựu của ông, là nhờ có sự hiệp lực của Tây Thi, người
vợ hiền của ông và cũng là một đại mỹ nhân thời bấy giờ !