Có câu: “Nước tốt không để chảy ra ruộng người”. Đó là lý lẽ đã
được người nông dân tổng kết qua thực tiễn sản xuất của họ. Những
thương nhân lấy lợi nhuận làm mục đích lẽ nào không hiểu những
điều đơn giản đó?
Giữa những năm 20 của thế kỷ XX, Vĩnh An Đường lập một chi
nhánh ở Thượng Hải, không tiếc tiền chi cho công việc quảng cáo
và quả thực việc làm ăn rất phát đạt. Ông chủ hãng dầu Vạn Kim là
Hồ Văn Hổ thấy rằng, việc tiêu thụ tăng lên ngoài thực lực ra còn
phải kể đến tác dụng của quảng cáo. Nhưng vì sao lại phải bỏ ra số
tiền lớn để quảng cáo? Có thể lập ra một tờ báo, vừa kinh doanh in
vừa để quảng cáo cho mình có phải là lợi hơn không? Với ý tưởng đó,
năm 1929, ông đã lập một tòa báo và sự nghiệp của ông ngày càng
phát đạt.
Có lúc chúng ta hợp tác và chia lợi cho người khác, đó là khi điều
kiện của ta chưa thật đầy đủ, song một khi đã có đủ thực lực thì cần
phải nắm chắc lợi nhuận trong tay. Cách làm của ông Hổ nói trên
là diệu kế một công đôi ba việc.
Thành công của ông vua bất động sản Hồng Kông Quách Đắc
Thắng có liên quan chặt chẽ tới nguyên tắc này. Thông thường, các
công ty bất động sản chuyên về nhà cửa không bao gồm các khâu
kiến trúc, quản lý và tài chính... nhưng riêng Công ty Hồng Xương
lại khác, họ kinh doanh khép kín. Bắt đầu từ mua đất, thiết kế
rồi xây dựng hoàn chỉnh, bao gồm điện, nước, giao thông, thậm chí
có cả phòng chống cháy nổ, đương nhiên, sau khi bán họ còn kinh
doanh cả mạng lưới dịch vụ ở đó. Rõ ràng là họ đã thực hiện đúng
phương châm “Nước tốt không để chảy ra ruộng người”.
Trong kinh doanh thương mại, nguyên tắc này cũng có thể vận
dụng đối với các doanh nghiệp kinh doanh độc lập, bởi vốn đầu tư
vào đó không lớn lắm, có thể tự lo được.