Trò chuyện quanh cuốn sách
Mấy năm gần đây, ngoài những truyện ngắn xuất hiện dần dà trên các
báo, Nguyễn Thị Hậu (với nickname Hậu Khảo Cổ) còn vô khối mẩu
truyện ngắn − tối đa 100 chữ − tải trên blog cá nhân của chị. Những đoản
văn ấy mang dư vị thích thú riêng, có mẩu mang ý tưởng đột ngột như một
góc ảnh lạ, có truyện thâm thúy như một lát cắt cuộc sống, có mẩu giả như
cười trên nỗi đau, có trường hợp ngụ ý nghĩa tình nhân bản trong một bối
cảnh cuộc đời đang đổi thay chóng mặt... Dù vậy, điều thú vị là mỗi người
tự tìm thấy mình (hoặc đâu đó quanh các mối quan hệ của mình) trong
những mẩu ngăn ngắn kia, để rồi nhớ mãi trong hành trình bôn ba bất kể
ngoài đời hay trên mạng ảo.
Nhà báo Lam Điền (báo Tuổi trẻ cuối tuần ngày 6/7/2010)
Trong các tạp bút của chị, nổi bật những đoản văn mang tên Những
mảnh vỡ, phải chăng đó cũng là “vấn đề” của thế hệ chị?
Lứa tuổi mình chịu sự thay đổi liên tục của hoàn cảnh xã hội, chông
chênh, phân vân, không rành mạch giữa cách nghĩ truyền thống và lối sống
hiện đại. Vừa muốn níu kéo những ký ức nghèo khó nhưng êm ả thời thơ
ấu, vừa phải thích nghi với môi trường sống hiện đại, có lúc dồn nén, nghĩ
đi nghĩ lại, cũng cáu kỉnh, muốn đập phá, nhưng không thể. Nhìn dưới góc
độ văn hóa, cái gì ở vùng biên cũng rất hay, thật đấy. Kể cả vùng biên trong
không gian, cả vùng biên trong lịch sử. Thế hệ tôi là thế hệ “vùng biên”
phản ánh một giai đoạn giao thời. Tôi rất thương thế hệ mình, bạn bè ai
cũng có tâm tư, mâu thuẫn, khó giải tỏa lắm. Chính vì vậy mà tôi viết. Viết
để nói hộ bạn bè, viết để chia sẻ, để mọi người hiểu nhau hơn. Tuy nhiên
tôi chỉ là người viết nghiệp dư thôi!
Nhà báo Kim Yến (Báo Sài Gòn tiếp thị, ngày 22/11/2009)