Khi những nỗ lực của bạn bị hiện thực tàn phá
Chúng ta đều muốn tìm kiếm niềm vui và hạnh phúc vĩnh hằng, luôn hy vọng người khác hiểu được
những tình cảm chân thành của mình. Nhưng cuộc sống thường không thuận buồm xuôi gió như chúng ta
mong muốn. Vậy, khi những nỗ lực của bản thân bị hiện thực cản trở, sự thất vọng sẽ ảnh hưởng đến
cuộc sống của con người như thế nào? Frome đã miêu tả cảm giác thất vọng của con người trong xã
hội phương Tây hiện đại như sau: “Trong xã hội công nghiệp hiện đại, cuộc sống sẽ không còn sức hấp
dẫn, không còn hy vọng. Một khi cuộc sống mất đi niềm hy vọng thì động lực thúc đẩy con người phấn
đấu, thậm chí cả niềm hy vọng tiếp tục sống cũng sẽ không còn. Một khi mơ ước về những điều vĩ đại,
đẹp đẽ mất đi, con người sẽ giống như một quả bóng bị xì hơi, không còn tinh thần để tiếp tục sống
một cách vui vẻ, thoải mái”.
Đối mặt với những bất hạnh trong cuộc sống, có người do quá thất vọng mà rơi vào tột cùng đau khổ,
do đó đã lựa chọn một thái độ tiêu cực “không hy vọng, cũng không đau khổ”. Đây là một thái độ sống
cần bị loại bỏ, chúng ta phải biết rằng, thất vọng là một hiện tượng thường gặp trong cuộc sống.
Có người có thể khắc phục được cảm giác thất vọng một cách khá nhanh chóng, có người lại cần một
thời gian dài. Vậy, phải làm thế nào để khắc phục cảm giác thất vọng? Dựa vào kinh nghiệm thành
công của bản thân, Bill Gates đưa ra những quan điểm dưới đây:
1. Tin tưởng “Thất bại là mẹ thành công”
Edison đã từng nói: “Thất bại cũng là cái mà tôi cần, đối với tôi nó cũng có giá trị như sự thành
công”. Thất bại là một loại “chất kích thích mạnh”, đối với những người có ý chí, luôn làm phát sinh
những phản ứng có tính tăng cường sức mạnh. Thất bại không phải là một việc xấu, cũng không có gì
đáng sợ. Đối mặt với thất bại, chúng ta không được thất vọng, cần phải tìm ra nguyên nhân, tìm ra kế
sách tiến thủ, tới khi đạt được mục tiêu mới thôi.
2. Theo đuổi mục tiêu phấn đấu đến nơi đến chốn
Nếu chúng ta không thật thạo về ngoại ngữ nhưng lại kỳ vọng nhanh chóng trở thành nhà biên dịch
truyện, tiểu thuyết nước ngoài... Kết quả là không đáp ứng được sự kỳ vọng lúc đầu, mà kỳ vọng càng
cao thì thất vọng càng lớn. Bởi vậy, chúng ta nên theo đuổi những mục tiêu phù hợp với năng lực bản
thân. Đôi khi, mục tiêu tuy phù hợp với năng lực của bản thân nhưng do ảnh hưởng của các điều kiện
khách quan nên cũng dẫn đến sự thất vọng, lúc này chúng ta cần chú ý đến việc điều chỉnh sự mong
đợi để giảm thiều cảm giác thất vọng. Ví dụ: Bàn về chức danh, có thể năng lực thực tế của bạn đã đạt
đến một yêu cầu của một chức danh nào đó, nhưng do tỉ lệ số người ủng hộ chức danh này có hạn, bạn
không được bầu chọn. Lúc này phải điều chỉnh sự kỳ vọng trong lòng sao cho thích ứng với hiện thực,
như vậy sẽ khắc phục được tâm lý thất vọng.
3. Sự kỳ vọng phải có tính linh hoạt
Sự kỳ vọng giống như một đường thẳng. Khi gặp phải tình huống không được như ý, chúng ta phải có
sự chuẩn bị tư tưởng, thay đổi cách nghĩ, theo đuổi mục tiêu mới. Đương nhiên, điều này không đồng
nghĩa với việc “đứng núi này trông núi nọ”. Ví dụ, bạn đến nhà hát nghe nhạc, bạn vốn nghĩ rằng ca sĩ
mà bạn yêu thích sẽ tham gia biểu diễn, nhưng không ngờ ca sĩ đó bị ốm, không thể biểu diễn được,
lúc đó bạn cảm thấy rất thất vọng. Nếu lúc đó bạn hướng sự kỳ vọng vào các ca sĩ khác thì bạn sẽ vứt
bỏ được sự thất vọng và hòa mình vào không khí nghệ thuật, trong lòng sẽ cảm thấy tràn đầy niềm vui.