Vốn tính cẩn thận, lập tức Bao Công sai Bao Hưng đưa cho bà
lão tờ giấy cùng bút mực, bắt viết thử vài chữ. Bà lão không hề do dự,
viết ngay một câu thơ cổ, chứng tỏ là người có học vấn chứ không nói
dối. Bao Công so sánh hai nét chữ xong, thấy quả thật là đúng nên nói:
- Ngươi cứ về nhà đi! Bản nhân sẽ đến huyện đường xem án văn
việc này, sẽ có trát gọi sau.
Bà lão toan vái lạy cảm ơn thì Bao Công xua tay từ chối, lệnh cho
quân khiêng kiệu lập tức nhắm hướng huyện đường Tam Tinh mà đi.
Đến huyện đường rồi, Bao Công truyền lấy văn án ra xem, ghi nhớ kỹ
trong đầu vụ việc một Nho sinh tên là Hàn Thụy Long bị khép vào tội
giết người.
Nguyên bà lão đệ đơn vừa rồi họ Văn nhưng lấy chồng họ Hàn,
sinh được đứa con trai đặt tên là Hàn Thụy Long. Chồng chết sớm nên
Hàn thị ở vậy nuôi con cho đến khi được mười sáu tuổi thì mắc vòng
lao lý bởi một chuyện hết sức tình cờ, tưởng được phúc hóa ra mang
họa. Người chồng họ Hàn chết đi chẳng để lại gia tài nên mẹ góa con
côi phải thuê một gian nhà nhỏ ở thôn Bạch Gia Bảo, không hề có gia
nhân giúp việc. Tuy nhiên Hàn thị là người có học hành nên không để
con trai phải dốt nát, dù rất cơ cực nhưng vẫn khuyến khích con mình
ra sức học tập, hy vọng mai này sẽ làm rạng rỡ tông môn.
Một buổi tối kia, Thụy Long đang khêu đèn đọc sách thì chợt
nghe tiếng động, quay lại vừa kịp nhìn thấy có một người mặc áo
xanh, đi giày màu đỏ lẻn vào phòng của Hàn thị. Thụy Long lập tức
đuổi theo, vào phòng mẹ giả như tìm kiếm cuốn sách nhưng thật ra là
muốn xem người lạ ấy là ai, tại sao lại vào phòng mẹ mình. Căn phòng
vốn trống rỗng không có đồ đạc gì nhiều nên chỉ thoáng qua là Thụy
Long biết ngay không phải, dụi mắt nghĩ thầm: “Hay là ta đọc sách
nhiều, hoa mắt nhìn gà hóa cuốc chăng”.
Thế nhưng tối hôm sau, Thụy Long lại thấy hiện tượng này xảy
ra, rất bất ngờ nên không kịp kêu lên mà cũng không kịp nhìn mặt
được người ấy. Lần này Thụy Long không thể giấu được nữa, nói thật