lời ca tụng. Thế nhưng lúc về đến trấn Tang Lâm thì gặp một việc rất
lạ. Đó là giữa đường có một đạo nhân dáng vẻ nghèo đói gầy gò, mặc
hoàng bào rách nát, theo lời người dân kể lại thì đã khóc đến 3 ngày 3
đêm, cứ lẩm bẩm trong miệng là “Sơn hà Xã tắc nghiêng đổ mất rồi”.
Hạ thần thấy việc này nghiêm trọng nên dừng xe hỏi tại sao thì đạo
nhân ấy trả lời: “Sơn hà xã tắc hiện nay không phải là chân Thiên tử
thì tất phải nghiêng đổ mà thôi”. Trả lời xong đạo nhân ấy bỏ đi ngay,
tìm mãi không gặp được nữa, vì vậy chẳng biết chuyện này đúng hay
sai. Trong lòng thần hết sức phân vân nên mới bạo gan kể lại chuyện
này cho bệ hạ nghe.
Tống Nhân Tông nghe vậy cười nói:
- Bọn đạo sĩ thường hay lắm chuyện, thích nói hoang đường để
lừa bịp người nhẹ dạ đó thôi. Khanh cứ yên tâm, trẫm sinh ra đã có hai
chữ “Sơn hà” và “Xã tắc” trong lòng hai bàn tay thì là chân Thiên tử,
nào phải giả Thiên tử mà hiền khanh phải lo lắng?
Bao Công liền xin được Tống Nhân Tông ban ân sủng cho xem
hai lòng bàn tay. Khi đọc rõ hai chữ “Sơn hà” và “Xã tắc” rồi, ông giả
vờ ngần ngại, tâu:
- Quả hoàng thượng là chân Thiên tử. Rất tiếc rằng chữ “vương”
có bộ “thảo” ở đầu mà thôi.
Bao Công cố ý đặt điều là có bộ “thảo” ở đầu để ám chỉ mẫu thân
của Hoàng đế đang phải chịu cảnh bần hàn như kẻ thảo dân. Toàn bộ
quần thần nghe Bao Công tâu vậy thì đều giật mình kinh sợ bởi tội
phạm thượng khi quân khó tha thứ được. Quả nhiên Tống Nhân Tông
nổi cơn lôi đình, đập tay xuống ngai vàng, quát lớn:
- Thái tổ Hoàng đế xuất thân nơi quyền quý, lấy nhân nghĩa làm
gốc mới giành được thiên hạ, truyền ngôi từ đó đến nay ai ai cũng ca
tụng. Trẫm là dòng dõi của Thái tổ, tại sao ngươi lại dè bỉu là Vương
có bộ “thảo” ở đầu?
Thái tổ Hoàng đế triều Tống mà Tống Nhân Tông vừa nhắc tới là
Triệu Khuôn Dẫn, một người kiêu hùng vũ dũng, khôn ngoan tài lược,