Tống Từ là người nhân đức nhưng nghe Du Xuyên kể hết mọi
chuyện thất đức dâm ô của mình thì không khỏi tức giận, truyền lệnh:
– Việc kết án ngươi sẽ tính sau. Con người vô lương tâm vô nhân
tính xấu xa như ngươi phải được trừng trị thích đáng mới được. Người
đâu! Đánh cho hắn một trăm trượng thị uy cho ta.
Đến bọn quân sĩ nghe việc cũng căm hận nên đè Du Xuyên
xuống, đánh thẳng tay tận lực. Do vậy Du Xuyên không sao chịu nổi,
chưa hết số trượng phạt thì đã gục chết tại công đường.
Vương Tuấn thấy vậy vẫn chưa bằng lòng, nói:
– Mẹ già hắn không biết dạy con, để hắn trở thành tội nhân của
cả xã hội, đáng ra là cũng phải bị trừng phạt. Thế nhưng Triệu thị đã
chết thì không nhắc đến nữa, còn vợ hắn cũng phải chịu tội chung với
chồng thì tôi mới hả được tức hận mất đứa con yêu quý.
Tống Từ có ý ngược lại, cho rằng ai gây ra tội thì phải đền mà
thôi, dù là vợ nhưng không liên can hay xúi giục chồng thì không thể
bắt tội họ được. Vương Tuấn hết sức kêu nài nên cuối cùng Tống Từ
đành phải gọi Dung Dung đến công đường hạch hỏi xem có gì liên
quan đến không. Lúc đó Dung Dung mới đưa giấy bỏ vợ do chính tay
Du Xuyên viết ra làm bằng chứng, xác nhận là mình không liên quan
gì đến âm mưu lừa gạt của chồng, cũng không hề giữ một chút tiền
bạc hay tư trang lấy được của họ Vương.
Tống Từ xem xét thấy Dung Dung không những hiền lương mà
còn có trí óc khôn ngoan, đã sửa soạn sẵn sàng những bằng chứng
không để mình phải liên lụy về những việc làm xấu xa của người
chồng bất lương thì rất khen ngợi, gọi Vương Tuấn đến kể lại mọi
việc. Vương Tuấn thở dài, nói:
– Cô gái này không tham lam của phi nghĩa, biết tìm cách lánh xa
kẻ bất nhân thì thật sáng suốt, đến như các tiểu thư danh giá có học
hành sách vở cũng chưa thể bằng được. Nếu như có được người con
ruột vừa xinh đẹp vừa thông minh như vậy thì phúc đức biết bao.