Bầu không khí thư giãn đặc biệt có ích cho việc thảo luận
về cảm xúc. Chúng ta đã nêu quãng thời gian trước lúc đi ngủ
phù hợp với việc trò chuyện và đặt ra những câu hỏi thú vị đó
cho trẻ. Trong tháng này, hãy cố gắng mở rộng thêm ý
tưởng để trẻ biểu hiện những cảm xúc cụ thể hơn.
Hãy tự mình bắt đầu bằng cách ngồi xuống mép
giường của con bạn, giãi bày rằng bạn cảm thấy như thế
nào về những việc diễn ra trong ngày. Hãy quan sát thái độ
phản ứng của trẻ. Bằng những câu hỏi, những lời động viên
và khen ngợi, hãy khuyến khích trẻ bộc lộ cảm xúc.
Đừng kỳ vọng cảm xúc sẽ tự nhiên như bạn muốn trong
những lần đầu trò chuyện. Phải sẵn lòng nói về những cảm
nhận của bạn và kiên nhẫn với những biểu hiện của trẻ.
Vấn đề duy nhất khi “trò chuyện trong phòng ngủ” là
những ông bố, bà mẹ đôi khi lại mệt hơn con cái.
Một tối nọ, tôi ngồi trên mép giường của con trai, kể
cho thằng bé một câu chuyện ngắn, sau đó hỏi thằng
bé cảm thấy như thế nào.
Tôi đã quyết định nằm xuống cạnh thằng bé khi nó
kể cho tôi nghe một số việc ở trường ngày hôm đó.
Điều tiếp theo mà tôi biết là đã đến sáng và con trai
tôi đang đánh thức tôi dậy.
“Bố ngủ ở đây cả đêm. Bố thật buồn cười. Con đang
kể cho bố nghe chuyện ở trường và bố chỉ nói “ừ hứ”
được vài câu, sau đó bố bắt đầu ngáy. Con dậy và
gọi mẹ, nhưng mẹ nói “Cứ để cho bố ngủ. Bố cần
ngủ”.
--- Richard
Trò chơi “Anh ta cảm thấy như thế nào?”