nước Kim điều đình. Thế là Tần Cối được làm một vị đại thần nhờ
không có ai dám đi sang nước Kim chứ không phải tài cán của hắn
được tín nhiệm. Cuộc đời thật éo le, khi mới đi được nửa đường thì
Tần Cối nghe tin Hàn Ly Bất đã tự động rút quân vì thủy thổ không
hợp, quân tướng lâm bệnh quá nhiều, mừng rỡ trở về kinh đô. Chức
tước đã được ban rồi nên từ đó Tần Cối nghiễm nhiên là vị đại thần
tham dự vào triều chính.
Thừa cơ hội đó Tần Cối ra sức nịnh bợ, mua chuộc nên thăng
chức rất mau. Hắn tưởng như cuộc đời thênh thang rộng mở, chẳng
ngờ chưa được bao lâu thì quân Kim lại tổng tiến công lần nữa.
Trong lần xâm lược này, quân Kim đã hiểu rõ đường lối và thủy
thổ đất Tống nên tiến rất mau. Hai tướng quân Kim là Hàn Ly Bất và
Niêm Hãn với cách đánh chớp nhoáng của mình, tiến mau đến nỗi
Tống Khâm tông còn đang hội họp quần thần bàn về việc dâng châu
báu nghị hòa thì quân Kim đã ồ ạt kéo đến sát thành Khai Phong, cuối
cùng bắt sống được cả Tống Khâm tông lẫn Tống Huy tông đem giam
giữ nơi doanh trại ngoài thành.
Tên gian thần Nghiêm Tung khi ấy nắm chức Thừa tướng, chủ
trương nghị hòa nên khi quân Kim rút lui đã đem theo cả Huy Tông
lẫn Khâm Tông cùng hơn ba ngàn quần thần trong hoàng thất và quan
lại triều Tống giải về phương bắc. Trong số quần thần ấy có cả Tần
Cối. Người ta tưởng đâu như thế Tần Cối sẽ bỏ xác nơi đất phương
bắc, không bao giờ được về cố quốc nữa. Để quốc gia có người cầm
đầu, sau khi Huy tông và Khâm tông bị bắt đi rồi, Khang vương Triệu
Cấu liền lên ngôi xưng là Tống Cao tông, thành lập triều đình Nam
Tống ở Đại Danh, phủ Ứng Thiên. Việc này khiến triều Kim rất tức
giận, lại sai Hoàng đệ là Đát Lãn đem quân đánh Sơn Dương. Lần này
Đát Lãn có dẫn theo cả vợ chồng Tần Cối cho hắn lo việc văn thư
hoặc làm chuyển vận sứ. Nhân cơ hội này, vợ chồng Tần Cối tìm cách
trốn chạy về phương nam cùng với hai thủ hạ là Đinh Dị và Vương An
Đạo.