Nhạc Phi không những là vị tướng soái thiện chiến can đảm mà
còn có tư duy chiến thuật rất sắc sảo, do vậy ông đã thắng nhiều trận
để đời, làm kinh điển cho các binh gia sau này nghiên cứu. Vì tuổi trẻ
khó khăn ít học nên khi đã có thời gian, Nhạc Phi quyết tâm học tập
cho tốt, tuy lời lẽ văn chương không hoa mỹ nhưng đầy khẳng khái,
chứa đựng sự mãnh liệt của tâm hồn muốn đem hết sức lực cống hiến
cho quốc gia. Vì vậy sau khi Nhạc Phi chết oan bởi bàn tay độc ác của
Tần Cối, ông để lại cho đời tác phẩm “Văn tập Nhạc trung Võ vương”
gồm 10 quyển.
Về võ nghệ, Nhạc Phi còn để lại tập “Nhạc gia thương”, tức sách
dạy cách đánh giáo (thương) riêng của nhà họ Nhạc, mà hiện nay vẫn
có nhiều người theo học.
Cái chết oan ức của Nhạc Phi không hề làm mất tên tuổi của ông
mà trái lại càng làm cho tên tuổi của ông sáng chói như nhật nguyệt và
càng làm cho tội ác của Tần Cối cùng đồng bọn thêm chồng chất. Vì
vậy sau này khi Tần Cối chết rồi, người dân Trung Hoa căm giận tới
mức cho đúc tượng cả vợ chồng hắn lẫn bọn Vạn Sĩ Oa trần truồng
quỳ lạy đặt ở trước mộ Nhạc Phi. Khách đến viếng mộ Nhạc Phi khi đi
qua ba tượng ấy đều tức giận đánh đập phỉ nhổ nên chẳng bao lâu đã
bị vỡ nát. Mãi đến năm Vạn Lịch thứ 22 (1595), Án sát phó sứ là
Phạm Lai mới cho đúc lại, thêm vào tượng Trương Tuấn là bốn tượng.
Có thể nói suốt chiều dài lịch sử phong kiến Trung Hoa chưa có
một vị tướng soái nào được người dân coi như anh hùng dân tộc, lập
miếu thờ phượng giống như của Nhạc Phi. Quan Công cũng có rất
nhiều miếu thờ nhưng đó là do người dân kính trọng tiết tháo trung
thành của ông đối với người anh kết nghĩa vườn đào, là một tướng tận
tâm tận lực để rồi phải chết nơi sa trường mà thôi. Miếu thờ Quan
Công nghiêng về thần thánh hóa, mê tín dị đoan còn miếu thờ của
Nhạc Phi chính là biểu tượng của lòng tự hào dân tộc trong việc chống
ngoại bang. Nhạc Phi chết đi nhưng đời đời tên ông vẫn được hậu thế
nhắc tới.