Sự kiện Aomame muốn tìm xảy ra vào ngày mười chín tháng Mười, khi
dư âm của sự cố hỏa hoạn tại mỏ than Yubari vẫn còn chưa lắng xuống.
Aomame không hề hay biết chuyện đó, cho tới khi Tamaru kể với nàng
mấy tiếng đồng hồ trước. Không thể nào lại như vậy. Bởi vì nhan đề bài
báo về sự kiện ấy được in đậm bằng cỡ chữ to đến mức không thể bỏ sót
được ở ngay trang nhất số ra buổi sáng.
ĐẤU SÚNG VỚI PHẦN TỬ QUÁ KHÍCH Ở
YAMANASHI: BA CẢNH SÁT TỬ VONG
Một tấm ảnh lớn cũng được đăng kèm. Đó là bức không ảnh chụp hiện
trường vụ án. Ở gần hồ Motosu. Còn có cả bản đồ sơ lược. Hiện trường ở
trong núi, từ khu vực được quy hoạch làm đất xây biệt thự phải đi vào sâu
hơn. Ảnh chân dung ba cảnh sát tỉnh Yamanashi đã thiệt mạng. Lính dù đặc
nhiệm của lực lượng phòng vệ
xuất kích bằng trực thăng. Trang phục rằn
ri, súng bắn tỉa lắp ống ngắm, và súng trường tự động báng ngắn.
Khuôn mặt Aomame biến dạng một lúc lâu. Để có thể thoải mái biểu lộ
cảm xúc, nàng kéo giãn hết cỡ toàn bộ cơ mặt mình. Hai bên bàn đều có
vách ngăn, vì vậy không ai nhìn thấy sự biến đổi ghê gớm trên gương mặt
nàng. Sau đó Aomame hít thở thật sâu, rút hết không khí xung quanh vào
mình, rồi lại thở hết ra. Giống như con cá voi hít vào thở ra toàn bộ không
khí trong lá phổi khổng lồ của nó lúc nổi lên trên mặt biển. Một học sinh
cấp ba đang ngồi quay lưng về phía nàng học bài giật mình trước âm thanh
ấy liền ngoảnh đầu lại nhìn Aomame, nhưng dĩ nhiên không thể thốt lên
một tiếng nào. Chỉ run bắn vì sợ.
Sau khi khiến gương mặt biến dạng một lúc, nàng cố thả lỏng các cơ thịt,
để khuôn mặt trở lại như cũ. Rồi nàng lấy cán bút bi, gõ “cách cách” vào
răng cửa, cố sắp xếp lại tư duy cho hợp lý. Ở đây chắc chắn có lý do gì đó.
Phải có lý do gì đó mới đúng. Tại sao một sự kiện nghiêm trọng gây chấn
động toàn nước Nhật như thế mà mình lại bỏ sót được?
Không, không chỉ là sự kiện này. Cả vụ án người thu cước của đài NHK
đâm bị thương cậu sinh viên, mình cũng không hề biết. Kỳ lạ thật. Không