để bắn cho vớ óc. Đẩy chốt, kéo cò, vậy là mọi thứ đều kết thúc. Không cần
phải lo tới lo lui nữa, cũng không cần phải chạy trốn khắp nơi.
Aomame không sợ chết. Mình chết, Tengo sống. Từ nay trở đi, anh ấy sẽ
sống ở năm 1Q84, sống trong thế giới có hai mặt trăng này. Nhưng nơi đây
không có mình. Trong thế giới này, mình sẽ không gặp lại anh ấy. Cho dù
các thế giới có chất chồng lên nhau chăng nữa, mình cũng sẽ không gặp
được anh ấy. Ít nhất, đó là điều Lãnh Tụ nói.
Aomame chầm chậm đưa mắt quan sát căn phòng lần nữa. Cứ như là căn
hộ mẫu vậy, nàng nghĩ. Sạch sẽ, phong cách thống nhất, mọi thứ cần thiết
đều có đủ, nhưng thiếu cá tính, lạnh lẽo và xa lạ. Như thể làm từ giấy bồi.
Chết ở một nơi như thế này có lẽ không thể gọi là chết thoải mái được.
Nhưng cho dù có đổi thành bối cảnh mà mình ưa thích, rốt cuộc trên thế
giới này có tồn tại cái chết nào thoải mái hay không? Huống hồ, nghĩ cho
kỹ, thế giới chúng ta đang sống xét cho cùng chẳng phải cũng giống như
một căn hộ mẫu khổng lồ hay sao? Ta bước vào, ngồi xuống, uống trà,
ngắm cảnh ngoài cửa sổ, hết thời gian thì nói cảm ơn, rồi đi ra. Mọi đồ đạc
bày biện đều chỉ là vật ngụy tạo. Đến cả vầng trăng treo trước cửa sổ kia có
lẽ cùng làm bằng giấy nốt.
Nhưng mình yêu Tengo, Aomame nghĩ. Nàng lẩm bẩm nói câu đó thành
tiếng. Mình yêu Tengo. Đây không phải màn biểu diễn của quán rượu rẻ
tiền. 1Q84 là thế giới thực, một nhát dao có thể cắt ra máu thực, cảm giác
đau là đau thực, nỗi sợ là nỗi sợ thực. Vầng trăng trên trời không phải vầng
trăng giấy bồi, mà là một cặp mặt trăng thực sự. Và, trong thế giới này,
mình đã chủ động đón nhận cái chết vì Tengo. Mình không cho phép bất cứ
ai nói rằng mọi thứ ấy đều giả ngụy.
Aomame ngẩng đầu nhìn chiếc đồng hồ hình tròn treo trên tường. Một
sản phẩm kiểu dáng đơn giản của Braun, rất hợp với khẩu Heckler & Koch
của nàng. Chiếc đồng hồ là thứ duy nhất treo trên tường căn phòng này.
Kim đồng hồ đã qua vạch số mười, đây là thời điểm hai người kia phát hiện
ra xác của Lãnh Tụ.