bậc giáo dục được coi là quan trọng hơn trong nền kinh tế tri thức thì vẫn
không có mối quan hệ đơn giản nào giữa nó và tăng trưởng kinh tế. Điều
thực sự quan trọng trong việc quyết định sự thịnh vượng quốc gia không
phải là trình độ giáo dục của các cá nhân mà là khả năng của quốc gia đó
trong việc tổ chức các cá nhân thành các doanh nghiệp có năng suất cao.
Giáo dục, giáo dục, và giáo dục
“Giáo dục, giáo dục, và giáo dục” - đây là cách mà Cựu Thủ tướng Anh
Tony Blair đã tổng kết ba chính sách ưu tiên hàng đầu của chính phủ tương
lai của mình trong chiến dịch tranh cử năm 1997, giúp đảng Lao động
“Mới” của ông lên nắm quyền sau gần hai thập kỷ mờ nhạt trên chính
trường.
Thành công hay thất bại tiếp sau đó trong chính sách giáo dục của Lao động
Mới có thể còn gây tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận được rằng lời nhận
xét đó đã thể hiện một cách hoàn hảo khả năng đặc biệt của ông Blair khi
nói đúng điều cần nói vào đúng thời điểm (đó là trước khi ông bị thất sủng
trong vụ Iraq). Cũng có nhiều chính trị gia trước thời ông Blair đã hô hào và
thúc đẩy một nền giáo dục tốt hơn, nhưng ông nói đúng vào thời điểm khi,
chứng kiến sự nổi lên của các nền kinh tế tri thức từ những năm 1980, cả
thế giới đang dần tin tưởng rằng giáo dục là chìa khóa cho sự thịnh vượng
kinh tế. Nếu giáo dục đã có một vai trò rất quan trọng đối với thành công về
kinh tế trong thời đại của các ngành công nghiệp nặng, thì ngày càng nhiều
người bị thuyết phục rằng giáo dục là yếu tố quan trọng nhất trong thời đại
thông tin, khi bộ não, chứ không phải là cơ bắp, là nguồn lực chính của sự
giàu có.
Lập luận này có vẻ đơn giản. Nhiều người được giáo dục hơn đồng nghĩa
với năng suất cao hơn - bằng chứng là họ nhận được mức lương cao hơn. Vì
vậy, theo logic toán học, một nền kinh tế với những người có học vấn cao
hơn sẽ hiệu quả hơn. Thực tế là các nước nghèo hơn có tỷ lệ người có học
thức - hay “vốn con người” theo thuật ngữ của một số nhà kinh tế học - thấp