trên đầu, bịt lại chặt hơn, quần xà lỏn được vo lên sát vào bắp đùi. Ông
nhướng mắt:
- Lâu quá vậy!
Rồi túc còi. Trong phút giây đàn chó gom lại. Ông căn dặn:
- Ðừng sủa bậy nghe! Tụi bây gặp trăn sủa cách khác, gặp rùa sủa
cách khác. Giỏi lắm. Nhưng bữa nay, khi nào gặp heo rừng thì hãy sủa.
Làm động rừng con Khịt đi xa.
Dứt lời, bầy chó tản ra. Hai phút sau, phía Lung Cây Kè, có tiếng chó
sủa to, ba tiếng còi túc lên liên hồi. Ông Năm Tự và Mười Hy vạch lau sậy,
chạy đến.
Con heo Khịt đứng sững, hai chân trước cao nghệu, mình mẩy đen
thui, hươi nanh. Tiếng đồn không sai: nanh dài trên một tấc, con heo Khịt
như con bò nhỏ, mớ lông gáy dựng lên vàng hực, lấp lánh.
- Vực một!
Ông Năm quát to.
Con Vực một nhảy vô cắn chân phía trước, bên hữu của con Khịt. Con
Khịt vừa quay đầu là ông Năm ra lịnh:
- Vực hai!
Con Vực hai xốc tới cắn chân trước, bên tả. Con Khịt trở mình ngó
phía sau tìm cách thủ thế, lui vào lùm cây!
- Vực ba! Vực tư!
Bị vây bốn góc, Khịt đứng nhóng lên. Thật ra răng của chó dầu bén
nhọn nhưng làm sao cắn lủng da nổi chì của con Khịt được. Con Khịt lại
đầy đủ kinh nghiệm: đây là thợ săn lão luyện và bầy chó hung hăng.
Nó tìm cách chạy tới. Mười Hy trao ngọn mác cho ông Năm Tự. Ông
Năm ghìm ngọn mác trước ngực.
Heo Khịt thối lui, dùng hai chân sau bươi đất làm cái hố nhỏ, tạm che
khuất cái mông dưới đất để hạn chế sự tấn công của Vực ba và Vực tư.
Nhưng đất cứng quá. Nó quỳ hai chân sau. Mấy con chó nhỏ bao vây, đứng
ngoài xa, sủa vang lên nhưng hưởng ứng, thúc hối bốn con Vực đang quyết
chiến.