Để trở thành một chuyên gia, bạn phải thật sự say mê công nghệ vì nó liên
quan đến ngành và công việc kinh doanh của bạn. Hãy nói chuyện cởi mở
với các nhà kinh doanh công nghệ ở hội chợ thương mại sắp tới, không chỉ
người bán hàng mà cả người phát triển sản phẩm ở hậu trường, những
người tạo ra các giải pháp hoặc các ứng dụng. Hãy tìm ra người phụ trách
mục công nghệ trong các tạp chí thương mại và trở thành bạn của họ. Hãy
cho họ biết doanh nghiệp của bạn coi trọng công nghệ như thế nào, và họ
có thể gợi mở những triển vọng độc đáo trong các lĩch vực mà bạn quan
tâm. Những nhà báo như vậy rất thích nếu có một người như bạn gọi điện
cho họ. Bạn thậm chí có thể mời một giáo sư của trường đại học cộng đồng
ở địa phương sử dụng công ty bạn làm ví dụ thực tế cho các lớp kinh
doanh, khóa học máy tính hay kỹ thuật.
Nếu bạn không thể hiểu được công nghệ thì hãy thuê một chuyên gia giải
thích cho bạn thường xuyên bằng những từ ngữ dễ hiểu. Công ty bạn cần
phải đi đầu xu hướng công nghệ đang định hình ngành kinh doanh của bạn.
Ở Chương 4, khi nói khả năng hiểu biết thấu đáo thị trường, điều bạn cần
lưu ý đó là những công nghệ mang tính đột phá tác động đến từng ngành,
từng khu vực và thậm chí là từng cá nhân.
Điều này không có nghĩa là bạn phải tiếp nhận mọi công nghệ mới xuất
hiện hay luôn phải chạy theo các sản phẩm sắp được tung ra thị trường.
Nhiều công ty đã chi hàng triệu đô-la để mua phần mềm CRM rồi phát hiện
ra rằng họ không có bộ phận xử lý quan hệ khách hàng hay không có người
đủ trình độ để sử dụng nó. Hoặc tồi tệ hơn, họ không có kiến thức chuyên
môn để giải thích những dữ liệu mà phần mềm tạo ra. Sẽ hiệu quả hơn nếu
tiền được dùng để thuê những người phù hợp và đào tạo họ. Tuy nhiên, bạn
mới là người quyết định mình sẽ trở thành chuyên gia hay thuê một chuyên
gia tài năng; bạn sẽ biết doanh nghiệp mình có thể tận dụng được điều gì
hay đó chỉ là thứ khiến bạn sao lãng.
Ai được? Ai mất?